Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên cũng là lúc các doanh nghiệp chốt lại tỷ lệ cổ tức sẽ chia. Như mọi năm, danh sách các công ty trả cổ tức khủng, cổ tức cao vẫn là những tên tuổi quen thuộc. Theo tài liệu dự kiến trình cổ đông trong kỳ đại hội sắp tới (17/4), Tổng công ty Khí Việt Nam- PVGas (GAS) đề xuất chốt mức cổ tức bằng tiền cho năm 2013 là 42%/vốn điều lệ (VĐL).
Đây là mức cổ tức cao gấp đôi kế hoạch đã thông qua từ kỳ đại hội năm ngoái, cũng vượt con số mà ban lãnh đạo GAS định hướng phấn đấu. Thực tế, GAS luôn trả cổ tức cao hơn kế hoạch. Năm 2012, GAS đã trả cổ tức 30% mệnh giá, cao hơn con số 20% đề ra. Tương tự, Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền năm 2013 lên 50% VĐL, tức gấp đôi so với kế hoạch cũ.
Điều chỉnh này của DPM làm giới đầu tư hân hoan vì trong năm 2013, dù vượt kế hoạch năm nhưng doanh thu, lợi nhuận của DPM không bằng năm 2012. Trong khi đó, cổ tức năm 2012 của DPM chỉ ở mức 45% sau khi đã được điều chỉnh tăng từ mức 25% VĐL.
Nhưng tỷ lệ chi trả cổ tức của các công ty kể trên không phải là quá cao. Ở nhóm doanh nghiệp niêm yết, Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) nổi tiếng vì luôn chia cổ tức ngất ngưỡng. Năm 2013, mức cổ tức của HGM là 70% bắng tiền và dự kiến cổ tức 2014 tối thiểu đạt 50%.
Các công ty trả cổ tức cao còn phải kể đến Than Núi Nhỏ (NNC) với cổ tức năm 2013 là 66% VĐL, cổ tức ở Đầm Sen Nước (DSN) là 60%, của Đô thị Sài Đồng (SDI) là 83,1%. Đây là những con số cổ tức đáng mơ ước vì riêng hưởng cổ tức đã hấp dẫn. Đơn cử, ở thời điểm công bố thông tin, tính ra lãi cổ tức trên thị giá cổ phiếu ở SDI chiếm gần 30%.
Tuy nhiên, dẫn đầu danh sách công ty trả cổ tức khủng nhất năm 2013 lại thuộc về nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết. Trong đó, đáng chú ý là mức cổ tức 400,5% của Thế Giới Di Động. Hay Công ty Hàng Hóa Nội Bài dự định chia cổ tức năm 2013 là 170%, ở Masan Consumer là 110%.
Cuộc đua đường dài
Hầu hết các công ty trả cổ tức cao đều tiến hành thanh toán cổ tức sớm. Đến nay, DSN đã trả hết cổ tức năm 2013 cho nhà đầu tư. Riêng BMC đã tạm ứng được cổ tức ở mức 30%. HGM tạm ứng cổ tức của năm 2013 ở mức 50%.
Tính ra, HGM chỉ còn chi 25,2 tỷ đồng cho phần cổ tức còn lại của năm 2013. Theo báo cáo tài chính kiểm toán thì dòng tiền của HGM thời điểm cuối năm 2013 là 189,7 tỷ đồng, giúp HGM có thể trả cổ tức bất cứ lúc nào.
Nhưng vấn đề là cổ tức ở HGM đang đi theo chiều hướng giảm dần và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận sau thuế (LNST) của HGM. Nếu như năm 2012, HGM chỉ trích 75,6 tỷ đồng cho trả cổ tức 120% VĐL, chiếm 54,6% LNST thì năm 2013, HGM phải trích tổng cộng 88,2 tỷ đồng cho mức cổ tức 70%. Khoản tiền này lớn hơn cả LNST năm 2013 mà HGM đạt được.
Theo các báo cáo công bố, phần do HGM đã tăng vốn lên gấp đôi qua phát hành cổ phiếu thưởng và phần do lợi nhuận của HGM suy giảm. Nhìn trên kết quả kinh doanh, LNST của HGM năm 2013 đã giảm 37,5%. Sang năm 2014, theo nghị quyết ĐHĐCĐ, HGM lên kế hoạch lợi nhuận giảm khoảng 29% so với năm 2013. Đi cùng đó là cổ tức năm 2014 tiếp tục giảm, về tối thiểu 50%.
Diễn biến suy giảm dần cổ tức cũng đang xảy ra cho NNC, BMC. Khó khăn của NNC là mỏ đá Núi Nhỏ - mỏ khai thác chủ yếu của NNC chỉ hoạt động đến tối đa năm 2015. Vì thế, tương lai của NNC phụ thuộc nhiều vào việc lãnh đạo NNC có sớm tìm ra hướng khai thác mới hoặc kinh doanh mới.
Định hướng trước mắt của Hội đồng quản trị NNC là phải tìm mặt bằng thuê, khai thác dự trữ đá hộc để chế biến ít nhất 3 năm sau khi mỏ Núi Nhỏ đóng cửa.
Trong trung dài hạn, báo cáo thường niên 2013 đề cập, nhiệm vụ của NNC là làm sao sản phẩm của NNC nằm trong đường cầu của thị trường vật liệu xây dựng khu vực và NNC phải nghiên cứu đến đầu tư các dự án ở khu vực mỏ Núi Nhỏ như dự án xây khu dân cư, xây khu resort, xây kho bãi logistic, triển khai dự án sản xuất vật liệu xây dựng không nung...
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ lần 2 (10/4), BMC đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2014 chỉ là 24 tỷ đồng, bằng 30% lợi nhuận năm 2013. Nguyên nhân vì giá xuất khẩu xỉ titan giảm cùng với mức thuế tài nguyên tăng khiến BMC phải đặt kế hoạch kinh doanh năm 2014 thận trọng.
Trước những biến động này, các công ty khó duy trì cổ tức như đã thực hiện. BMC dự kiến giảm cổ tức năm 2014 xuống 30%. Cổ tức năm 2014 ở NNC ước trong khoảng 40 - 60%.
Cũng như HGM, GAS cho tạm ứng cổ tức 2013 ngay trong năm 2013 với tỷ lệ 20%. Nếu kế hoạch trả cổ tức năm 2013 được nhất trí, GAS chỉ còn chi trả cổ tức ở mức 22% mệnh giá, tức chi thêm 4169 tỷ đồng. Số tiền để GAS chi cho trả cổ tức năm 2013 ước chiếm khoảng 50% LNST được phân phối.
Nhưng điều thuận lợi cho GAS là công ty vẫn duy trì kinh doanh tăng trưởng. Năm 2013, LNST của GAS là 12.595, 8 tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch và tăng 24,6% so với năm 2012. GAS lại có lượng tiền và tương đương tiền dồi dào, đạt khoảng 18.292 tỷ đồng cuối năm 2013.
GAS cũng tiếp tục nâng khoản trích quỹ phát triển, từ mức 26% của lợi nhuận phân phối năm 2012 lên 35% năm 2013 để đầu tư, đảm bảo tăng trưởng. Các khoản đầu tư sẽ triển khai trong năm 2014 là khởi công dự án Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 1; dự án LNG 1MMTPA Thị Vải; các dự án cấp khí tại Thái Bình...
Dù được chú ý nhưng ít nhà đầu tư lớn tiếp cận được cổ phiếu này vì cũng như HGM và BMC, GAS là cổ phiếu kém thanh khoản. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện nắm tới 96,72% vốn ở GAS.
Theo Ngọc Thủy-Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]