Ảnh minh họa
Hiện dự thảo lần thứ 3 hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần vượt tỉ lệ quy định đang được đưa ra lấy ý kiến. Dư luận đang quan tâm, liệu sau nhiều lần “vung đao”, NHNN có chặt được những chiếc vòi “bạch tuộc”?
Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực hơn 3 năm nay, tỉ lệ góp vốn của cổ đông cá nhân giới hạn từ mức 10% xuống còn 5%. Cổ đông là tổ chức từ 20% xuống còn 10%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn ít nhất 8 NH thương mại cổ phần có hiện tượng một cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần với số lượng lớn, vượt tỉ lệ theo quy định, có khả năng thao túng, chi phối quản trị của các NH này. Thực tế các vụ án gần đây cũng đã lộ rõ những mảng tối của NH khi nhóm cổ đông lớn nắm quyền chi phối, lợi dụng kẽ hở luật pháp để vượt rào cho vay công ty “sân sau”, quản trị và kiểm soát yếu kém gây nợ xấu lớn.
Tại các hội nghị ngành NH mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần lưu ý đến sự thao túng của các ông chủ, cổ đông lớn - điều mà người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là không thể chấp nhận ngay ở khía cạnh đạo lý, chứ chưa nói đến pháp luật.
Để chấn chỉnh tình trạng này, dự thảo đang lấy ý kiến của NHNN yêu cầu cổ đông cá nhân, tổ chức và người có liên quan phải chuyển nhượng cổ phần cho NHNN và sẽ mất quyền biểu quyết cũng như không được ứng cử làm thành viên HĐQT, ban kiểm soát. Dự thảo cũng đề xuất cấm tổ chức tín dụng được cấp tín dụng mới cho cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt trần...
Siết chặt việc sở hữu cổ phần là điều cần làm. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng NH bị thao túng. Tại nhiều nước, thông thường, nhà đầu tư, tổ chức được góp từ 20%-30% vốn vào NH. Con số này cho phép các NH tận dụng lợi thế và nguồn lực của cổ đông.
Riêng Việt Nam, do lo ngại hệ thống quản lý còn yếu nên đã chọn con số thấp nhất (20%) làm tỉ lệ góp vốn tối đa. Nhưng NH vẫn bị thao túng và chi phối bởi một nhóm, thậm chí một vài cổ đông. Điều này cho thấy các con số cũng chỉ là... lý thuyết, chưa thể phản ánh được thực tế.
Để chặt đứt các vòi “bạch tuộc” lũng đoạn ngân hàng, không chỉ khống chế tỉ lệ góp vốn mà còn phải tăng cường hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ NH; kiểm soát được nguồn gốc vốn góp; minh bạch trong cơ chế quản lý... Mặt khác, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống luật pháp tài chính theo thông lệ quốc tế, không tạo các kẽ hở để những kẻ lợi dụng dễ dàng lách luật.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]