Một số vụ việc lừa đảo điển hình:
- Một công ty của Việt Nam ký hợp đồng mua thiết bị ánh sáng sân khấu với một công ty của Hồng Kông, tuy nhiên sau lần giao dịch lần đầu thành công với giá trị nhỏ, đến thương vụ giao dịch lần thứ 2 với giá trị lớn, đối tác phía Hồng Kông đề nghị chuyển trước 100% tiền hàng theo hình thức chuyển tiền bằng điện (TT) theo số tài khoản cũ (số tài khoản giao dịch lần đầu) nhưng không chuyển được, phía Hồng Kông đề nghị chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Sau khi phía công ty Việt Nam chuyển tiền thành công vào tài khoản cá nhân, thì phía Hồng Kông nói là không nhận được tiền và phủ nhận việc yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân, phía công ty Hồng Kông cho rằng Email đã bị hacker.
- Một công ty của Việt Nam ký hợp đồng mua máy ép nhựa của đối tác Trung Quốc, tuy nhiên đến giai đoạn thanh toán tiền hàng trước phía công ty bên Trung Quốc yêu cầu sửa lệnh cho người hưởng lợi mới là một công ty tại Hồng Kông, sau khi chuyển tiền vào tài khoản, phía đối tác nói không nhận được tiền hàng và không có yêu cầu thay đổi người hưởng lợi.
- Một công ty Thương mại Thủy sản của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu mặt hàng Thủy sản đông lạnh với một đối tác Hồng Kông, tổng giá trị hợp đồng lên tới 400.000 USD, hàng đã giao tuy nhiên phía đối tác Hồng Kông cố tình khất lần, trì hoãn thanh toán tiền hàng và chưa biết khi nào họ mới thanh toán cho phía Việt Nam.
- Một công ty của Việt Nam ký hợp đồng cung cấp dịch vụ phần mềm với một công ty của Hồng Kông từ năm 2012, sau nhiều lần giao dịch thành công với giá trị nhỏ, những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 có các giao dịch với giá trị lớn, phía đối tác phía Hồng Kông trây ỳ, chậm thanh toán cho phía công ty Việt Nam.
- Một công ty của Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu trái cây cho một công ty của Hồng Kông để đi nước thứ ba từ tháng 12/2013, sau nhiều giao dịch thành công, thời gian gần đây công ty của Hồng Kông khất lần, trốn tránh việc thanh toán tiền hàng với số tiền vài chục nghìn USD.
Nguyên nhân các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo:
Qua một số vụ điển hình trên, chúng tôi thấy:
- Các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc, tiền ứng trước hợp đồng, tiền cung cấp dịch vụ phần lớn do không tìm hiểu kỹ về đối tác, thường không trực tiếp gặp mặt mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại, fax nên không có khả năng kiểm tra được tính xác thực của địa chỉ, số điện thoại, khả năng tài chính của đối tác;
Một số doanh nghiệp Việt Nam nhận được chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi… nên đã nhanh chóng ký kết hợp đồng và thanh toán ứng trước mà chưa kiểm tra về đối tác;
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiềm ẩn nhiều rủi ro là điện chuyển tiền (TTR), trả trước, đặt cọc, tạm ứng một tỷ lệ phần trăm khá cao trị giá lô hàng.
- Một thủ đoạn gần đây các đối tượng hay áp dụng là sử dụng một Email gần giống hoặc trùng với Email của đối tác, yêu cầu công ty phía Việt Nam chuyển tiền vào một tài khoản khác.
Hiện chưa rõ Email bị hacker hay có sự thông đồng của đối tác phía Hồng Kông, tuy nhiên làm việc với cảnh sát Hồng Kông được biết đây là thủ đoạn phổ biến của tội phạm mạng hiện nay, mỗi năm cảnh sát Hồng Kông phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, lừa đảo giao dịch trên mạng để chiếm đoạt tiền, số vụ có thể thu hồi được tiền rất ít vì chủ yếu bọn tội phạm là người nước ngoài, sau khi chiếm đoạt được tiền sẽ cho đóng tài khoản nên rất khó thu hồi.
- Tại Hồng Kông rất phổ biến hiện tượng người nước ngoài thành lập công ty tại Hồng Kông hoặc công ty thành lập tại Quần đảo British Virgin Islands (BVI) trực thuộc Vương quốc Anh nhưng đặt trụ sở giao dịch tại Hồng Kông, chuyên tiến hành các giao dịch với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Việc thành lập cũng như giải thể các công ty tại Hồng Kông hay Quần đảo BVI rất dễ dàng, chi phí thấp trong khi sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng không thật chặt chẽ. Chính sự thông thoáng này mà nhiều công ty được thành lập để tiến hành các hoạt động mờ ám, sau một vài “phi vụ” kết thúc sẽ tiến hành giải thể công ty.
Nhiều công ty thành lập tại Hồng Kông không có trụ sở văn phòng cụ thể mà thuê địa chỉ của công ty dịch vụ thư ký làm địa chỉ giao dịch (công ty offshore), không có nhân viên mà thuê nhân viên công ty thư ký tiến hành các giao dịch, nếu khách hàng điện thoại đến sẽ được trả lời là giám đốc của công ty cần tìm đi vắng, đề nghị gửi lại lời nhắn, số điện thoại, email để họ liên hệ lại.
Do đó khi xảy ra các vụ việc lừa đảo, chậm thanh toán tiền hàng sẽ rất khó để tìm gặp được giám đốc công ty.
- Một thủ đoạn phổ biến của các vụ việc lừa đảo, chậm thanh toán tiền hàng là phía đối tác Hồng Kông thanh toán sòng phẳng một số giao dịch ban đầu để tạo lòng tin cho phía Việt Nam, sau đó mới tiến hành lừa đảo, lừa tiền hàng, dịch vụ với các thương vụ số tiền lớn.
Những điều cần thực hiện trong giao thương với khách hàng Hồng Kông:
Dự báo thời gian tới đây số lượng các công ty gặp khó khăn về tài chính, phá sản sẽ gia tăng do ảnh hưởng của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu kéo dài, do đó khả năng xuất hiện các vụ lừa đảo, tranh chấp thương mại cũng sẽ tăng lên.
Để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong làm ăn với doanh nghiệp Hồng Kông nói riêng và nước ngoài nói chung trong điều kiện môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông đề nghị các doanh nghiệp trong nước lưu ý một số điểm sau để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra:
- Cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng, cần thận trọng và nắm vững thông tin về các đối tác trước khi đặt quan hệ làm ăn; Đồng thời thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tiến hành thẩm tra thêm về đối tác;
- Thường xuyên cập nhật thông tin về đối tác đang làm ăn với mình, thận trọng trong giao dịch với các đối tác mới, cố gắng trực tiếp gặp gỡ, ký kết hợp đồng với đối tác, kiểm tra kỹ các loại văn bản, giấy tờ mà phía đối tác nước ngoài cung cấp.
- Hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán nhiều rủi ro như chuyển tiền bằng điện (TTR), nhờ thu (D/A, D/P), hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn; nên sử dụng các hình thức thanh toán có độ an toàn cao hơn như thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C at sight).
- Cảnh giác, thận trọng khi giao dịch điện tử trên mạng, khi có những dấu hiệu đối tác thay đổi Email, người hưởng lợi… cần kiểm tra kỹ lại thông tin trước khi chuyển tiền.
- Cảnh giác trước những chào hàng giá rẻ “bất ngờ”, các điều kiện giao hàng, thanh toán dễ dãi và những đối tác cho địa chỉ không rõ ràng, chỉ sử dụng điện thoại di động, email trong giao dịch.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]