Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết vốn ngân hàng đẩy ra nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh từ đầu quý III, đến cuối tháng 8 tăng 6,45% so với cuối năm 2012. Trong đó, riêng tín dụng bằng VND tăng 10,4%. Bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận tín dụng đã vào mùa tăng trưởng, có nơi trong một tháng giải ngân được vài ba nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn nguồn tín dụng này mới chỉ đổ vào các doanh nghiệp lớn trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn.
Lãi suất cho vay đã giảm mạnh, chỉ dao động từ 7 – 11% một năm với kỳ hạn ngắn và 12 – 13% với trung và dài hạn. Do đó, nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội thừa nhận lãi suất không còn là trở ngại. Thay vào đó, vấn đề nằm ở việc họ không đáp ứng được quy định tài sản đảm bảo khi đi vay.
Ông Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho biết nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng rất tốt nhưng ngân hàng vẫn không cho vay.
Ông Nam cũng trần tình việc khó xử lý các khoản nợ cũ để thu về tài sản đảm bảo và vay tiếp. “Từ năm 2008 đến nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vì thế cứ yếu dần đi, cộng với đó là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, sản xuất chật vậy”, ông Nam cho biết.
Không ít doanh nghiệp xin thế chấp bằng chính phương án kinh doanh, hợp đồng bán hàng nhưng theo ông Nam, phía người cho vay không tán đồng. “Ngân hàng không chấp thuận vì để đánh giá một hoạt động như vậy đòi hỏi rất kỳ công, do vậy họ vẫn cứ quan tâm đến tài sản đảm bảo vì nó chắc chắn hơn”, vị này nói.
Từ đó, ông Nam cho rằng việc cấp bách lúc này là cần phải giảm bớt yêu cầu về tài sản đảm bảo, nếu không dù Nhà nước có nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì bài toán giữa doanh nghiệp với ngân hàng sẽ không bao giờ giải được, doanh nghiệp sẽ không có lối thoát. Tuy nhiên, việc hạ chuẩn tín dụng trong bối cảnh hiện nay là việc ít nhà băng dám làm.
Trao đổi với VnExpress.net, một vài ngân hàng khẳng định đã mạnh dạn cho vay không cần tài sản thế chấp trong lúc này. Ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, hiện nhà băng này vẫn tài trợ vốn mà không cần thế chấp bằng bất động sản. Vị này cho hay, doanh nghiệp có thể thế chấp bằng hợp đồng, hàng tồn kho nhưng miễn họ phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt kèm theo để tránh rủi ro. "Số doanh nghiệp được tài trợ vốn không cần thế chấp bằng bất động sản chiếm khoảng 6% tổng dư nợ của ngân hàng", đại diện Sacombank ước tính.
Trong khi đó, đa phần các ngân hàng tỏ ra e ngại, dè chừng khi tài trợ vốn qua L/C xuất khẩu, cho vay vốn lưu động thế chấp hàng tồn kho sau hàng loạt sự việc tranh chấp kho hàng xảy ra gần đây. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần chia sẻ thật, nhà băng nào không có hệ thống kho bãi tốt thì không nên cho vay vốn bằng hàng, rủi ro sẽ rất lớn. Vị này dẫn chứng, không ít đơn vị cho vay nhưng lại giao kho hàng cho một bên thứ 3 trông nom. Sau đó, doanh nghiệp "móc ngoặc" với nhân viên bảo vệ để đánh tráo hàng trong kho. "Những chuyện rủi ro với kho hàng không hiếm nên đây là lý do vì sao một số nơi e ngại", ông giải thích.
Cán bộ tín dụng một ngân hàng khác thì nói thẳng: "Nếu là doanh nghiệp nhỏ đang khó khăn, tình hình tài chính lại không tốt, nói thật chúng tôi cũng không dám cho vay tín chấp hay thế chấp bằng hợp đồng, hàng hóa". Anh này giải thích, nếu là khách hàng cũ, đang có dư nợ nhưng gặp khó khăn nhất thời, ngân hàng sẵn sàng cơ cấu, dùng công cụ hỗ trợ nợ vì dù sao cũng đã "biết nhau".
Theo Huyền Thư - Thanh Lan - VnExpress
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]