Cần tính toán kỹ khả năng trả nợ khi vay trả góp.
Với số tiền thu nhập ít ỏi hàng tháng, việc mua sắm các đồ dùng là rất khó khăn, đặc biệt là với giới trẻ. Vì vậy, việc vay mượn tiền để sở hữu những món đồ có giá trị là xu hướng phổ biến được lựa chọn hiện nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng vay tiền mua hàng trả góp cũng là một cách để người tiêu dùng sắm sửa cho mình những món đồ đắt tiền khi chưa có đủ tiền mặt. Nhưng người vay cần tính toán kỹ lưỡng vì chi phí đánh đổi cho khoản vay này không phải rẻ. Ngoài ra cũng chỉ nên mua những vật dụng cần thiết cho công việc hay cuộc sống chứ không nên mua trả góp tràn lan dễ rơi vào cảnh túng thiếu, lãi mẹ sẽ đẻ lãi con.
Trên báo Tuổi Trẻ, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ, có nhiều người sau khi vay tín dụng tiêu dùng đã cảm thấy hụt hẫng khi trả nợ với lãi suất khá cao. Lý do là họ không chịu tìm hiểu kỹ sản phẩm vay và luôn có tâm lý thấy có tiền là vay mà ít quan tâm đến việc trả nợ. Theo ông Hiển, đối với người tiêu dùng, điều đáng quan tâm đầu tiên là phải biết nhu cầu thật sự của mình. Nếu đó là nhu cầu chính đáng cần thực hiện ngay, nhưng mình chưa đủ tiền thì việc sử dụng sản phẩm tín dụng tiêu dùng là khá hợp lý.
Tuy nhiên, nếu quyết định vay là do bị hấp dẫn bởi các lời chào mời mà không căn cứ vào năng lực trả nợ của mình thì đa số sẽ cảm thấy áp lực lớn khi phải trả nợ, đôi khi trở nên cực đoan cho mình bị lừa. “Chúng ta luôn cần phải học cách sử dụng đồng tiền và phải là khách hàng thông minh”, ông Hiển nói.
Còn theo ông Lê Anh Hưng - Trưởng phòng Quản lý Tài sản cá nhân Ngân hàng HSBC chia sẻ, một trong những lưu ý ý khi vay tiêu dùng là cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ. Người tiêu dùng có thể tham khảo nguyên tắc 20-10 nhằm giúp xác định mức tín dụng có thể chi trả. Cụ thể, nếu không tính các món vay thế chấp, số tiền vay tiêu dùng tối đa bạn không nên nhiều hơn 20% thu nhập ròng hàng năm. Đồng thời, khoản chi trả cho những món nợ này không nên vượt quá 10% thu nhập ròng hàng tháng của bạn.
Kiểm tra ngân sách
Với thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng mỗi tháng nhưng không ít người lại có nhu cầu mua sắm xe tay ga, dùng smartphone cao cấp… Mua hàng trả góp là cách mà nhiều khách hàng sử dụng để trang trải chi phí mua sắm. Tuy nhiên, không nhiều người thực sự tính toán kỹ khả năng thanh toán trước khi vay.
Do đó, để tránh cảnh kiệt quệ tài chính, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ ngân sách, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi vay. Việc trả nợ chỉ nên chiếm nhiều nhất khoảng 30-40% tổng thu nhập trong tháng của bạn. Nếu không, bạn rất có thể rơi vào cảnh đi vay nợ mới để trả nợ cũ.
Hỏi kỹ về lãi suất
Các chuyên gia cũng lưu ý người vay trả góp dài hạn nên cân nhắc đến lãi suất. Hiện hầu hết các ngân hàng đều áp dụng lãi suất thả nổi, sáu tháng điều chỉnh/lần. Có thể trước khi vay, người vay nên thương lượng với ngân hàng thời hạn điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với thu nhập của mình, tránh trường hợp lãi suất tăng cao dẫn đến khoản tiền phải thanh toán vượt quá khả năng hoặc thu nhập của mình.
Với những khoản vay dưới 10 triệu hoặc dưới 50 triệu đồng, hình thức vay phổ biến là qua công ty tài chính tiêu dùng hoặc mở hạn mức thẻ tín dụng ở ngân hàng. Cả hai cách vay này đều phải chịu lãi suất cao, ít nhất 15% một năm và cao nhất có thể lên tới 72%, 80% một năm với một số công ty tài chính. Vì vậy, theo chuyên gia của HSBC, để tránh những "bẫy" thanh khoản, người tiêu dùng cần nắm vững cách tính lãi suất, được tính trên dư nợ giảm dần hay trên dư nợ gốc. "Trong trường hợp vay qua mở thẻ tín dụng, bạn nên tìm hiểu thêm mình có bao nhiêu ngày không bị tính lãi trên số tiền đã chi tiêu", ông nói.
Hỏi kỹ các điều khoản của hợp đồng
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, để vay tiền một công ty tài chính không khó, thu nhập chỉ từ 6 triệu đồng một tháng bạn có thể vay trả góp hay thậm chí là vay tín chấp. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay của hầu hết các tổ chức tín dụng, nếu tất toán sớm bạn sẽ phải trả một khoản phí phạt. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp, nhân viên tư vấn lãi suất một đằng nhưng số tiền phải trả lại một nẻo, cao hơn rất nhiều. Do đó, một nguyên tắc nằm lòng người tiêu dùng cần nhớ theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu là phải "đọc kỹ sử dụng trước khi dùng" và người vay phải có trách nhiệm hỏi kỹ các điều khoản của hợp đồng.
Theo dõi kỹ, sát sao lịch trả nợ
Dù vay số tiền ít hay nhỏ, mọi lịch sử tín dụng của bạn đều được ghi lại. Do đó, nếu để nợ quá hạn, có thể bạn sẽ khó vay tiền trong tương lai. Không ít người chi tiêu qua thẻ tín dụng nhưng thường xuyên quên ngày thanh toán hoặc trả thiếu. Phí phạt trả chậm theo quy định cũng không hề thấp. Tương tự, với các khoản vay tín chấp ở công ty tài chính, ngay sau khi có lương hàng tháng, bạn nên để riêng khoản tiền này để chi trả.
Chỉ vay khi không còn lựa chọn khác
Nếu nắm và tuân thủ nguyên tắc này, chắc chắn bạn sẽ tránh được những rủi ro tiềm tàng khi vay mua hàng trả góp – nơi thường có mức lãi suất rất cao. Theo các chuyên gia, hãy luôn kiềm chế bản thân trước các cuộc gọi mời chào vay mua hàng trả góp của những tư vấn viên. Nếu không thực sự cần kíp và không còn phương án nào mới tìm đến họ.
Theo Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]