Công ty nợ “ngập đầu”
Đại diện Bộ NNPTNT cho biết, đến 30.6.2016 Bộ NNPTNT đã tổ chức thẩm định mô hình sắp xếp đổi mới cho 251 công ty (117 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp); Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty (114 công ty nông nghiệp, 129 công ty lâm nghiệp). Có 14 công ty nông lâm nghiệp chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các công ty nông lâm nghiệp đang lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, đổi mới (ảnh minh họa). Ảnh: T.L
Ông Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: “Quyết định về hỗ trợ kinh phí để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đang được soạn thảo. Sau khi quyết định này được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, Bộ Tài chính sẽ bố trí kinh phí. Về kinh phí hỗ trợ việc rà soát đo đạc đất rừng ngân sách trung ương đã duyệt chi 450 tỷ đồng trên tổng số 647,070 tỷ đồng. 197,07 tỷ đồng còn lại sẽ được xem xét khi có nguồn ngân sách trung ương”. |
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về nợ vay của các công ty nông lâm nghiệp được cập nhật đến thời điểm 31.3.2016, 96 công ty nông lâm nghiệp có phát sinh vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ gần 6.455 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay trung, dài hạn chiếm trên 66%. Nợ xấu của các công ty nông lâm nghiệp đến 31.3.2016 khoảng 38,33 tỷ đồng. Dự nợ cho vay các công ty nông nghiệp trên 5.417 tỷ đồng, các công ty lâm nghiệp gần 1.038 tỷ đồng.
Về vấn đề này, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: “Nhiều công ty có lỗ lũy kế trên 20 tỷ đồng như Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm 52 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tul 40 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh 33 tỷ đồng, Tổng Công ty 15 – Bộ Quốc phòng 334 tỷ đồng... Việc thu nợ của các công ty này gặp nhiều khó khăn và hầu như không thu được do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng”.
Đối với việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp, nhiều công ty và địa phương đều có ý kiến về việc họ gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lê Trọng Hiền – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam cho hay: “Hiện tổng công ty có 52 đơn vị đóng trên 18 tỉnh thành, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đều là những địa bàn nhạy cảm nên việc thực hiện Nghị định 118 có rất nhiều vấn đề phức tạp. Bên cạnh đó, để xác định được giá trị của doanh nghiệp là rất khó khăn. Nợ sản phẩm 380 tỷ chưa thu hồi được, trong lúc đó nợ ngân hàng chưa trả được, lãi phải trả gần 180 tỷ không được xử lý. Đây là những khó khăn trong việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp”.
Một trong những khó khăn then chốt mà cả các công ty và địa phương đều loay hoay là tìm đối tác hợp tác để chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên. Đại diện tỉnh Hòa Bình giãi bày: “Tỉnh quản lý 5 công ty TNHH một thành viên, có 4 công ty chuyển sang thành lập công ty TNHH 2 thành viên. Tuy nhiên khó khăn trong quá trình chuyển đổi này là cả 4 công ty trên đều chưa xác định được đối tác hợp tác dù có rất nhiều đối tác đến tìm hiểu, các đối tác yêu cầu có quỹ đất sạch tập trung, được giải phóng mặt bằng. Hiện trạng đất ở đây còn manh mún, chưa có nguồn lực để thực hiện giải phóng mặt bằng giao đất sạch, nên doanh nghiệp còn chưa mặn mà hợp tác để chuyển đổi”.
“Công ty không nuôi nổi thì để... lâm tặc nuôi”
243 là số công ty đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới. 14 là số công ty chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung. 6.455 tỷ đồng là dư nợ tại các tổ chức tín dụng của 96 công ty nông lâm nghiệp vay vốn |
Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn lực, không chỉ các công ty thiếu tiền mà chính quyền địa phương cũng rơi vào tình cảnh tương tự. 100% các lãnh đạo địa phương khi phát biểu tại hội nghị đều nói không có tiền để thực hiện đo đạc đất đai. Tỉnh này thiếu vài chục tỷ, tỉnh kia cũng thiếu vài chục tỷ, tỉnh nào cũng “kêu” thiếu.
Đại diện tỉnh Ninh Thuận chua chát nói: “Các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn của tỉnh thực sự vô cùng khó khăn, đến nỗi tiền lương trả cho công nhân 2 năm qua không có, phải nợ. Có công nhân khi bị kiểm điểm vì tiếp tay cho lâm tặc đã chia sẻ với hội đồng kỷ luật rằng, rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ để thực hiện tốt công việc, giải tỏa nhiều áp lực”.
Để thực hiện tốt công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo: Thứ nhất, việc sắp xếp đổi mới phát triển công ty nông lâm nghiệp phải gắn với quốc phòng an ninh, phù hợp với tái cơ cấu nông nghiệp và ngành kinh tế để góp phần ổn định chính trị xã hội, sinh kế đời sống của nông dân. Thứ hai, cần tăng cường quản lý chặt chẽ nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất rừng, hình thành vùng sản xuất nông lâm sản tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm; giải quyết cơ bản những tồn tại về đất đai, nhất là đất cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tạo chuyển biến căn bản phương thức quản lý quản trị và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhà nước có chính sách hỗ trợ để các công ty, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; xây dựng các công ty nông lâm nghiệp trở thành trung tâm sản xuất nông lâm nghiệp trung tâm tiêu thụ sản phẩm gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]