Nội dung nổi bật:
- Việc Bộ Tài chính đề nghị vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng và yêu cầu tăng thu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, các DNNN và các nguồn thu thuế... Đề xuất này được các chuyên gia nhìn nhận không chỉ là giải pháp tình thế mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Để có nguồn thu bền vững, cần tập trung đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ và sử dụng hợp lý các nguồn lực, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, hỗ trợ nhằm nâng sức cạnh tranh cho DN...
Áp lực thu chi ngân sách đang ngày càng trở thành gánh nặng lớn, khi giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, số thu từ dầu thô chỉ đạt 35.900 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm.
Bộ Tài chính cho rằng nếu không có biện pháp quyết liệt, chắc chắn ngân sách sẽ “đe dọa” từ số hụt thu dầu thô. Kéo theo đó là những nỗi lo cân đối thu – chi, đầu tư phát triển, nợ công…
Nhiều rủi ro tiềm ẩn?
Dễ hiểu tại sao mới đây, Bộ Tài chính đã phải đề nghị tạm ứng vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dưới 5 năm để đầu tư và đảo nợ cũng được tính đến.
Ngoài ra, Bộ này cũng yêu cầu rà soát để báo cáo Thủ tướng việc thu các khoản phải nộp từ các DN Nhà nước (DNNN) và các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, trao đổi riêng với phóng viên, TS. Lê Đình Ân – Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội (Bộ Kế hoạch và đầu tư), cho rằng việc Bộ Tài chính đề xuất vay 30.000 tỷ đồng từ NHNN cần phải được tính toán kỹ lưỡng để tránh tác động đến hệ thống ngân hàng.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng trong bối cảnh ngân sách khó khăn, việc huy động thêm nguồn tiền từ ngân hàng hay thu thuế nhiều hơn, là cần thiết. Song nếu việc giải quyết khó khăn của ngân sách chỉ dựa vào các biện pháp trên thì rủi ro sẽ rất lớn.
Cần nhiều giải pháp cấp bách
Đồng quan điểm, PGS. TS. Ngô Văn Hiền (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, việc vay hay thu thêm từ các nguồn để bổ sung ngân sách là chủ trương đúng trong giai đoạn hiện nay. Song thực hiện được và có hiệu quả hay không, còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và đây chỉ là giải pháp trước mắt.
“Những biện pháp trên không phải là giải pháp lâu dài, mang tính bền vững cho ngân sách. Do đó, cần phải làm sao để có giải pháp mang tính đồng bộ hơn, tập trung vào tái cơ cấu nền kinh tế, phục hồi sự phát triển của DN, vốn vẫn đang trong tình trạng khá trì trệ” - PGS. TS. Hiền nhận định.
Cùng với giải pháp tăng thu và tận thu, giải quyết dứt điểm tình trạng DN nợ thuế, bảo hiểm xã hội, chống thất thu thuế, TS. Ân cho rằng cần phải tăng cường hiệu quả quản trị DN.
Trong đó chú trọng đến việc khơi thông thị trường, thúc đẩy tiêu dùng để tăng sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của DN, từ đó tạo ra nguồn thu thuế bền vững.
TS. Hiếu cũng nhấn mạnh đến việc tái cơ cấu nền kinh tế có vai trò rất quan trọng. Theo đó, cần phải trả lại một số chức năng cho các thành phần kinh tế khác, chứ không thể dựa mãi vào khu vực DN có vốn Nhà nước.
“Khi nguồn lực được phân bổ hợp lý, việc sử dụng nguồn lực mang lại hiệu quả cao hơn, thì khả năng đóng thuế vào ngân sách cũng sẽ tăng lên” - TS. Hiếu nhận định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]