Thực tế để tránh lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp vẫn muốn vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn so với vay VND. Còn ở nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất cho vay ở mức 8% đã được gắn với cái tên “cho vay ưu đãi”.
Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hài lòng về mức lãi suất hiện nay và đang dồn sức để đạt mục tiêu ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ.
Bảo vệ sức mua của VND là đúng nhưng NHNN đang hi sinh quá nhiều cho mục tiêu này, bỏ qua các mục tiêu khác. Có thể liệt kê hàng loạt biện pháp mà NHNN đã áp dụng để bảo vệ tỉ giá. Đó là việc “lơ” đi nhiệm vụ đưa giá vàng trong nước theo sát giá thế giới khi NHNN muốn độc quyền quản lý vàng miếng.
NHNN đã loại vốn vàng ra khỏi ngân hàng, chấp nhận để người dân đưa vàng về cất giữ ở nhà. Hoạt động cho vay vốn bằng ngoại tệ đã bị siết lại nhằm tránh xảy ra những cú sốc khi đơn vị vay ngoại tệ mua USD để trả nợ. Và đặc biệt là giữ lãi suất VND ở mức cao so với lạm phát, được xem là yếu tố quyết định để ổn định tỉ giá nhưng nền kinh tế và doanh nghiệp ít nhiều phải trả giá vì chịu lãi suất cao.
NHNN giữ lãi suất huy động VND ở mức 5,5%/năm, trong khi giữ USD chỉ được khoảng 2% (gồm cả lãi suất và tăng tỉ giá), mức chênh lệch 3% đủ để người dân chọn giữ VND. Ngược lại, giảm lãi suất VND về sát lãi suất USD - hiện đang ở mức thấp nên khó giảm thêm, người dân sẽ so sánh, khi đó họ chuyển sang giữ USD, gây khó khăn cho NHNN trong việc ổn định tỉ giá.
Về điều hành, NHNN không thể cùng lúc giảm lãi suất VND và giữ tỉ giá ở mức thấp. Việc này như bài trí đồ nội thất trong căn phòng hẹp. Nếu gia chủ muốn khoe có tủ ly đẹp, để ở vị trí trang trọng, đập vào mắt mọi người thì phải đẩy cái bàn ăn - cần thiết cho cuộc sống hằng ngày - vào chỗ khuất, hoặc ngược lại. Cái tủ ly ở đây chính là tỉ giá, còn bàn ăn là lãi suất. Và lúc này NHNN đang chọn tỉ giá.
Tỉ giá ổn định, đó là một dấu son. Nhưng thành công đó được đóng góp từ nhiều ngành, kể cả sự đánh đổi đắt giá. Đó là nhờ xuất khẩu - trong đó có khối đầu tư nước ngoài - tăng ấn tượng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào; là việc siết lại đầu tư công, giảm cho vay dẫn đến hàng loạt công trình đình đốn, doanh nghiệp đổ vỡ kéo nhu cầu ngoại tệ giảm mạnh; là giá vàng trong nước cao bất thường so với giá thế giới, là vốn vàng bị lãng phí...
Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tiền tệ phải bao gồm cả lãi suất, tiếp cận vốn, tỉ giá. Hiện lạm phát của Việt Nam đã hòa nhịp với các nước trong khu vực, nhưng lãi suất vẫn thuộc nhóm nước đứng đầu.
Không kéo lãi suất giảm thêm, chỉ lo o bế tỉ giá, cơ hội sẽ trôi qua, khi đó doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh, lại bị bỏ lại phía sau. Bởi cái họ đang cần nhất là vốn rẻ để đổi mới thiết bị, mở rộng sản xuất...
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]