Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số phân cấp dựa trên một mã nguồn mở, giao thức thanh toán Internet ngang hàng, do Satoshi Nakamoto khởi xướng từ năm 2008, và đồng tiền này bắt đầu được sử dụng từ năm 2009.
Bitcoin khác với các loại tiền tệ khác, hệ thống tiền tệ này được vận hành dựa trên mạng ngang hàng thuộc internet, mà không cần sự quản lý của ngân hàng trung ương.
Điều khiến nhiều người quan tâm, tính riêng năm 2013, giá trị của Bitcoin đã tăng nhanh chóng mặt. Tính từ tháng 1/2013 đến cuối năm giá trị của đồng tiền này tăng từ 13 USD/Bitcoin lên 1.100 USD, thậm chí có thời điểm lên tới 1.216 USD.
Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới và ngay tại nước Mỹ, những người hiểu về Bitcoin vẫn còn rất hạn chế.
Thông tin về Bitcoin cho thấy, mục tiêu của hệ thống Bitcoin là tạo ra một dạng tiền “ngang hàng”, nghĩa là quá trình xử lý có thể diễn ra giữa hai đối tác giao dịch hệt như khi thanh toán bằng tiền giấy hay một loại tiền hàng hóa nào khác.
Trên thực tế hệ thống Bitcoin không triệt tiêu trung tâm thanh toán bù trừ mà chỉ chuyển đổi các nơi này trong các hệ thống tiền tệ chính thức thành một trung tâm thanh toán bù trừ phi chính thức. Giữa hệ thống Bitcoin và một hệ thống tiền chính thức hiện đại có một điểm tương đồng về khả năng làm giả tiền. Với một hệ thống tiền của một quốc gia, một người có thể làm giả tiền nếu anh ta có nguồn lực (kỹ thuật, tài chính, công sức) đủ mạnh để cạnh tranh với nhà phát hành tiền - ở đây là nhà nước.
Bitcoin vẫn chưa chính thức được thừa nhận tại Việt Nam (Ảnh: Internet)
Trên thế giới, luật pháp của hầu hết các quốc gia đều cấm các tổ chức hay tư nhân phát hành một đồng tiền song song với đồng tiền quốc gia. Ngoài khía cạnh chính trị và văn hóa, nguyên nhân kinh tế của việc nhà nước độc tôn phát hành tiền liên quan đến hệ thống thuế quốc gia. Độc quyền phát hành tiền là một biện pháp hiệu quả để một nhà nước có thể thu thuế của dân, trực tiếp qua các thể loại thuế trực thu/gián thu hoặc gián tiếp qua lạm phát và phát hành tiền.
Một trong những cách trốn thuế phổ biến ở hầu hết các nước là giao dịch bằng tiền mặt, Bitcoin với tính chất phi chính thức chính là "tiền mặt" trong thời đại mọi thứ đều "trực tuyến". Một khi giao dịch được thực hiện thông qua Bitcoin, nhà nước chỉ thu được thuế khi các bên tham gia "tự nguyện" đến nộp, sẽ cực kỳ khó khăn cho cơ quan thuế điều tra hay theo dõi các hoạt động kinh tế trong hệ thống Bitcoin. Tất nhiên vì Bitcoin do mạng lưới này tạo ra nên nhà nước cũng mất nguồn thu nhờ lạm phát.
Giống như Internet, hệ thống Bitcoin và đồng tiền Bitcoin sẽ không có biên giới (tất nhiên trừ những nước đặt tường lửa), nghĩa là Bitcoin có khả năng sẽ trở thành một đồng tiền thanh toán quốc tế nếu đồng tiền này không chết yểu.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 35.000 đơn vị kinh doanh chấp nhận đồng tiền Bitcoin và ngay tại Việt Nam mặc dù mức độ nắm bắt thong tin về Bitcoin vẫn còn rất hạn chế nhưng ngay tại thủ đô Hà Nội đã xuất hiện quán cà phê áp dụng hình thức thanh toán bằng Bitcoin và đang thu hút khá đông khách hàng tò mò đến khám phá.
Tại đây, để thanh toán bằng Bitcoin, khách hàng chỉ cần có ứng dụng thanh toán trên điện thoại, sau đó quét qua mã điện thoại rồi nhập số tiền quy đổi Bitcoin và gửi đi là hoàn tất việc thanh toán. Giao dịch thanh toán qua Bitcoin khá đơn giản với thời gian chỉ khoảng 30 giây cho một giao dịch.
Trao đổi với phóng viên Người đưa tin về đồng tiền ảo Bitcoin, chuyên gia pháp lý của Hãng luật PLF, một hãng luật chuyên về kinh tế khẳng định: “Bitcoin không phải là tiền ảo, do các giao dịch sử dụng Bitcoin là các gia dịch có thật, hướng đến những đối tượng thật.Giá trị của Bitcoin thể hiện ở sự hữu dụng, tiện lợi, an toàn trong việc thanh toán, mua bán mà không có một nhà nước, ngân hàng hay tổ chức, cá nhân,… can thiệp”.
Cũng theo chuyên gia của PLF, hiện không có quy định nào cho phép việc sử dụng hay điều hành Bitcoin mà chính những người sử dụng Bitcoin sẽ tham gia vào quá trình điều hành đó. Một vài nước trên thế giới cũng đã chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán.
“Tuy nhiên, từ ngày 6/01/2014, khi một diễn đàn tại Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu rằng Bitcoin không được chấp nhận tại Việt Nam”, chuyên gia PLF cho hay.
Được biết, gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng cảnh báo rủi ro trong hoạt động giao dịch thanh toán bằng Bitcoin. Chính phủ khẳng định không thừa nhận, không cho phép giao dịch và không chịu trách nhiệm đối với các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch. Hiện nay, Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có quy định về vấn đề thanh toán bằng Bitcoin.
Theo PLF, “mặc dù, Nghị định 101/2012/NĐ-CP cho phép việc thanh toán không dùng tiền mặt nhưng trong Nghị định này cũng chưa đề cập đến việc thừa nhận việc thanh toán bằng Bitcoin. Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, các giao dịch thanh toán tại Việt Nam được thực hiện bằng tiền đồng Việt Nam”.
Theo Phan An - Nguoiduatin.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]