Diễn biến lạ
Trong tuần đầu năm mới, giới đầu tư xôn xao với những diễn biến mới trên thị trường tài chính - tiền tệ. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, giá vàng SJC trong nước về sát với giá vàng thế giới quy đổi trong khi tỷ giá USD diễn biến trái chiều hiếm thấy: giảm trên thị trường tự do trái với tỷ giá công bố của NHNN.
Sau khoảng 2 tuần liên tục thu hẹp, sáng 19/2, giá vàng trong nước chỉ còn chênh lệch với giá thế giới ở mức rất thấp, tính bằng một vài trăm ngàn, so với mức chênh 3-5 triệu kéo dài trong nhiều năm trước đó.
Một hiện tượng khác là sự lệch pha của tỷ giá USD. Trái với tình trạng tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố không bao giờ theo kịp tốc độ tăng tỷ giá tại các NH và trên thị trường chợ đen, trong gần 2 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên tỷ giá mới (tỷ giá trung tâm) của NHNN thường xuyên diễn biến ngược với tỷ giá giao dịch tại các NHTM.
Nói là lạ nhưng tất cả những biểu hiện đó là kết quả của một lộ trình dài hơi và vượt qua mọi thách thức và lo ngại trong quản lý vàng và USD.
Tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm, có đứng yên, không còn một chiều thuần túy đi lên trong nhiều năm trước đó. Thị trường tự do cũng như trong hệ thống NH không còn xôn xao mỗi khi NHNN có sự điều chỉnh. Thị trường khá yên tĩnh, thậm chí diễn biến ngược lại không còn tình trạng đầu cơ tích trữ.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tình trạng đô la hóa giảm (tiền gửi ngoại tệ giảm từ 16% năm 2011 xuống còn khoảng 11%), trong khi dự trữ ngoại hối Nhà nước gia tăng. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, số liệu quỹ dự trữ ngoại hối được công bố. Con số gần 40 tỷ USD (tiền và vàng) đã khiến nhiều người bất ngờ.
Trong cả chục năm qua, cũng chưa có năm nào, tỷ lệ lạm phát ổn định và đứng ở mức thấp như năm vừa qua. Hàng hóa gần như không biến động, kể cả vào các thời kỳ cao điểm như tết dương và âm lịch. Lạm phát 2015 chưa đến 1%, so với mức 23% hồi giữa 2011.
Hệ thống NH ổn định, không còn tình trạng khó khăn thanh khoản với các cuộc chạy đua vượt trần lãi suất huy động 14% để giành giật tiền gửi và lãi suất qua đêm lên tới 40-50%. Hiện, hoạt động cho vay của các NHTM diễn ra sôi động với lãi suất có nơi đã xuống tới 5-6%, thay vì thời kỳ cao điểm trên 25%.
Ổn định vào chu kỳ mới
Câu chuyện giá vàng thế giới quy đổi thấp, giá vàng SJC trong nước đứng ở mức cao đã kéo dài nhiều năm như một căn bệnh khó chữa. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, có thể nói, đây không còn phải là vấn đề đáng lo ngại, các nhà quản lý không còn đau đầu còn người dân không lo mua cao bán hớ.
Tình cảnh thị trường vàng sốt nóng, người dân xếp hàng dài mua bán vàng đã không còn. Tâm lý đầu cơ tích trữ, mua vàng bằng tiền thật nhận vàng bằng giấy hẹn hay các NHTMCP nắm giữ hàng chục tấn vàng đã hoàn toàn không còn xuất hiện.
Trên Góc nhìn thẳng VietNamNet, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đây là một động thái tốt. Thị trường vàng diễn biến theo xu hướng và chỉ đạo của Quốc hội. Nghị định 24 của NHNN đã buộc các NHTM tất toán trạng thái vàng. Thị trường vàng chịu sự điều tiết và quản lý của Nhà nước.
Không chỉ huy động nguồn lực từ thị trường vàng, một điểm sáng của kinh tế vĩ mô giai đoạn 2011-2015 là kết quả tích cực trong lộ trình quản lý CSTT. Lạm phát từ đỉnh về đáy, lãi suất từ cao kỷ lục về mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Theo đánh giá của TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lạm phát giảm từ hơn 18% năm 2011 xuống mức thấp kỷ lục 1,8% năm 2015 và chưa tới 1% năm 2015 là nhờ công tác điều hành CSTT được thực hiện chủ động, đồng bộ, nhất quán. Và sự thành công trong điều hành CSTT đã giúp nền kinh tế Việt Nam hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cung tiền và giữ xu hướng tăng qua các năm.
Cũng theo TS. Phước, chuyển biến tích cực nhất trong 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế chính là hệ thống TCTD. Thanh khoản đã được cải thiện. Hệ thống NH đã tạo dựng lòng tin cho NĐT trong và ngoài nước, hỗ trợ tích cực chính sách tài khóa.
PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc bám sát và kiên trì theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động SXKD, giúp kinh tế vượt rất nhiều khó khăn…
Trên thực tế, hoạt động vay vốn của DN và người dân gần đây diễn ra sôi động. Tăng trưởng tín dụng 2015 tăng cao ngay từ đầu năm, dải đều trong các tháng và chung cuộc đạt mức tăng 18%. Đây là một kết quả đáng khích lệ.
Kết quả tăng trưởng tín dụng tốt, đẩy vốn cho nền kinh tế đúng nơi cần và nơi đồng tiền sinh sôi tốt, an toàn là nhờ mặt bằng lãi suất xuống thấp và một chiến lược điều hành kiên định, linh hoạt và dài hơi. Lai suất hiện phổ biến từ 6-11%, thay vì khoảng từ 20-25%/năm hồi nửa cuối 2011. Mặt bằng lãi suất hiện thấp hơn giai đoạn 2005-2006 là thời kỳ kinh tế phát triển ổn định, hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.
Lãi suất thấp giúp các DN có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Dòng tiền lưu thông khá tốt giúp giảm tỷ lệ nợ xấu NH và giúp không ít DN, nhất là khu vực BĐS hồi sinh, thoát khỏi bờ vực phá sản.
Từ chỗ bất ổn, lãi suất cao kỷ lục, lạm phát ngất ngưởng, hàng loạt các chỉ số vĩ mô đã trở về mức rất tốt. Lạm phát xuống mức thấp kỷ lục trong khi tiêu dùng vẫn ở mức cao, tăng trưởng ở mức trên 6,5%. Lãi suất giảm chỉ còn chưa tới một nửa so với mức đỉnh cao hồi 2011.
Hầu hết các đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước gần đây đều cho rằng, Việt Nam đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai đồng bộ các công cụ CSTT nhằm đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát nhưng vẫn đảm bảo ổn định thanh khoản cho các TCTD và hạ được mặt bằng lãi suất. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là cơ sở giúp nền kinh tế Việt Nam sẽ lọt nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới thời gian tới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]