Ảnh minh họa
Tiếp nối thương vụ HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) trong năm 2013, ngay trong đầu năm 2014, một số thương vụ tương tự đã được công bố.
Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức ngày 19/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã công bố kế hoạch mua lại một công ty tài chính nhưng chưa cho biết dự định sẽ mua công ty nào.
Sau đó một số phương tiện truyền thông cho biết SHB sẽ mua lại Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF).
Tuy nhiên, ngoài SHB, cũng có tin VietinBank cũng muốn mua VVF. Hiện nay, kế hoạch tái cấu trúc của VVF đang được trình lên các cơ quan chức năng để xin ý kiến.
VVF có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng (tương đương 47,6 triệu USD), trong đó Vinaconex sở hữu 33% và Viettel sở hữu 21%. Hai tập đoàn này hiện đang lên kế hoạch thoái vốn khỏi VVF.
Tháng trước, Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính Dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của tập đoàn Dệt May tại công ty này (64,1%). Thông tin được công bố tại ĐHCĐ của Công ty tài chính Dệt May.
Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Phát triển thịnh vượng (VPBank) cho biết sẽ mua lại Công ty TNHH MTV tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF) từ tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sau khi được Thủ tướng Chính phủ và NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng xu hướng này được thúc đẩy bởi các ngân hàng muốn phát triển cơ sở khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua thâu tóm công ty tài chính.
Đối tượng cho vay của các công ty tài chính khá riêng biệt, phục vụ chủ yếu các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ với các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Đây là phân khúc mà các ngân hàng thương mại đang muốn đẩy mạnh và điều này có thể thực hiện được thông qua mua lại công ty tài chính.
Thêm nữa, nghị định 39/2014/ NĐ-CP đã cho phép công ty tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán.
Đây là thời điểm thích hợp cho các ngân hàng mua lại các công ty tài chính. Phía “cung” đang ở giai đoạn tăng khi các tập đoàn Nhà nước đang được yêu cầu gấp rút hoàn thành thoái vốn đầu tư.
Danh sách 17 công ty tài chính (Nguồn: SBV, số liệu tính đến ngày 31/12/2013)
Lý giải việc đặt mục tiêu mua lại một công ty tài chính, ông Đỗ Quang Hiển Chủ tịch HĐQT ngân hàng SHB cho biết: lựa chọn mua lại công ty tài chính nhằm phát huy lợi thế đội ngũ chuyên nghiệp, thế mạnh về đầu tư; quy mô công ty tài chính sẽ ít ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của ngân hàng như việc sáp nhập với một ngân hàng khác.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng sắp tới làn sóng các ngân hàng thương mại thâu tóm các công ty tài chính sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa.
Điều này cũng phù hợp với kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước, năm nay cơ quan này sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ các công ty tài chính để tạo ra các "thể trạng" hoạt động lành mạnh hơn. Các công ty tài chính trong nước còn lại sẽ trở thành "mục tiêu" mà các ngân hàng tiếp tục mua lại.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]