Ngày 17/7, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng 27 quốc gia thành viên nhóm họp tại Brussels, Bỉ, để thảo luận về gói cứu trợ kinh tế hậu Covid-19. Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo EU gặp mặt kể từ khi đại dịch càn quét châu Âu, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và kinh tế.
Sau 4 ngày chạy đua đàm phán, tháo gỡ những khúc mắc và giải quyết bất đồng quan điểm, 27 thành viên cuối cùng đã nhất trí thông qua thỏa thuận lịch sử với tổng giá trị 750 tỷ euro (857 tỷ USD). Số tiền này sẽ được chia cho các quốc gia và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch dưới hai dạng trợ cấp và cho vay.
David A. Andelman, nhà bình luận của CNN, nhận định việc các nước EU đạt thỏa thuận cho thấy mô hình mở cửa và phục hồi hậu Covid-19 của châu Âu đang đi đúng hướng, điều mà Mỹ đã thử một cách vội vàng và thất bại.
"Đây cũng là minh chứng cho thấy EU có thể tự mình vượt qua khủng hoảng lần đầu tiên mà không có Anh cùng khoản ngân sách gần 11,6 tỷ USD đóng góp hàng năm", Andelman cho hay.
Hội nghị đầu tiên của EU kể từ sau đại dịch được khai mạc trùng vào ngày sinh nhật của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonia Costa. Theo Le Monde, Costa đã tặng cho Merkel bản dịch tiếng Đức của "Blindness", cuốn tiểu thuyết của nhà văn đoạt giải Nobel năm 1998 Jose Saramago, viết về một thành phố mà mọi người bỗng nhiên bị mù, nhưng một người phụ nữ đã xuất hiện và đưa họ vượt qua đại dịch này.
Costa cho rằng Merkel có thể làm điều tương tự bằng cách chấp nhận khoản nợ chung của châu Âu, với quan điểm "một người vì mọi người, mọi người vì một người". Tuy nhiên, ý tưởng khoản nợ chung không kèm điều kiện ràng buộc không phải là điều mà một số quốc gia nghĩ tới.
Các quốc gia EU đều đang trong quá trình phục hồi hậu đại dịch, nhưng những thiệt hại về kinh tế là rất lớn và đây là vấn đề mà châu Âu cần giải quyết hiện nay.
Đối mặt với những khó khăn trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, một số lãnh đạo châu Âu bày tỏ mong muốn về một hướng đi mới. Tuy nhiên, khu vực này cần có nền kinh tế ổn định để có thể vạch ra các hướng đi hiệu quả trên trường quốc tế. Điều này đồng nghĩa EU cần gói cứu trợ, gồm những khoản vay và trợ cấp, cũng như tăng ngân sách cho cộng đồng.
Ngoài gói giải cứu kinh tế, ngân sách 7 năm tới của EU sẽ tăng từ gần 1.112 tỷ USD lên gần 1.244 tỷ USD, theo Andelman.
Các quốc gia giàu có ở Bắc Âu sẽ chi nhiều hơn cho gói viện trợ này để giúp đỡ các thành viên nghèo hơn của khối, theo Bloomberg. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Merkel, lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đã đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh vừa qua, khi gặp nhau hồi cuối tháng 6 để tái khẳng định cam kết về quỹ phục hồi châu Âu với một số điều kiện ràng buộc.
Italy, một trong những quốc gia được nhận nhiều nhất từ gói cứu trợ này, cũng là nước đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng là một trong số thành viên đầu tiên của EU phục hồi từ cuộc khủng hoảng và hầu như tất cả các nước ở châu Âu, đặc biệt là Pháp và Đức, đã tìm cách duy trì mở cửa đất nước bằng cách "dập" mọi ổ dịch nhỏ ngay khi nó xuất hiện.
Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex tuần trước tuyên bố sẽ ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc trong các không gian kín, từ các cửa hàng, doanh nghiệp, cho tới phương tiện giao thông công cộng, khi mối đe dọa Covid-19 vẫn hiện hữu ở quốc gia này.
"Họ không chỉ nói suông. Trong thời gian cao điểm của lệnh phong tỏa, con trai tôi từng bị cảnh sát yêu cầu trở về sau khi đi quá xa căn hộ ở trung tâm thủ đô Paris", Andelman chia sẻ.
Kết quả cho các biện pháp cứng rắn này là Pháp chỉ ghi nhận 697 ca nhiễm nCoV mới và 14 ca tử vong vào hôm 18/7, trong khi Mỹ ngày hôm đó ghi nhận con số kỷ lục hơn 71.000 người nhiễm và hơn 920 người chết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Andelman thêm rằng dân số Mỹ cao gấp 5 lần Pháp, nhưng ngày 18/7, số người nhiễm nCoV gấp hơn 100 lần, trong khi số ca tử vong cũng cao hơn 75 lần.
Giống Pháp và Italy, phần lớn quốc gia EU đều kiểm soát tương đối tốt đại dịch, ngoại trừ Thụy Điển, quốc gia ghi nhận số ca nhiễm và chết tăng vì chiến lược "một mình một kiểu" chống Covid-19 và từng tự hào vì không phải đóng cửa nền kinh tế.
Hồi tháng 3, biên giới mở suốt 25 năm qua giữa các nước châu Âu cũng buộc phải đóng cửa khi đại dịch diễn biến phức tạp. Dù hiện tại biên giới đã được mở trở lại, những thiệt hại trong ba tháng đóng cửa phần lớn nền kinh tế châu Âu là rất lớn và không dễ dàng bù đắp.
Điều này khiến các quốc gia thành viên EU không tìm được cách giải quyết bất đồng quan điểm trong hai ngày đầu của hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua, theo Andelman.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, cùng với lãnh đạo Áo, Đan Mạch và Thụy Điển, yêu cầu việc phân phối gói cứu trợ cho bất kỳ quốc gia nào cần đều phải được tất cả 27 nước thành viên nhất trí. Điều này có nghĩa chỉ cần một ý kiến phản đối trong số 27 thành viên, yêu cầu nhận gói cứu trợ của quốc gia đó sẽ không được thông qua.
"Điều này có thể làm tê liệt toàn bộ chương trình cứu trợ nền kinh tế của EU", Andelman nhận định.
Tuy nhiên, hội nghị cuối cùng cũng đạt được thành qua khi thỏa thuận cứu trợ được thông qua. Các quốc gia EU thống nhất dành 390 tỷ euro là trợ cấp không hoàn lại, trong khi 360 tỷ euro còn lại được cung cấp như các khoản vay có điều kiện ràng buộc.
"Chúng tôi đã làm được. Châu Âu mạnh mẽ và thống nhất", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) nói khi tuyên bố kết thúc hội nghị.
Andelman nhận định quá trình thảo luận về kế hoạch cứu trợ của EU cũng giống như cuộc tranh cãi giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về gói cứu trợ kinh tế thứ ba của Mỹ. Cuối cùng, dù có bất đồng về quy mô và cấu trúc của các biện pháp cứu trợ, khoảng cách giữa các thành viên EU vẫn dễ thu hẹp hơn nhiều rạn nứt giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington.
Không chỉ tìm thấy "tiếng nói chung" về thỏa thuận, châu Âu dường như cũng thực hiện khá tốt cách biệt cộng đồng, xét nghiệm và theo dõi lịch sử tiếp xúc, những biện pháp giúp ngăn chặn dịch lan rộng. Nhờ vậy, châu Âu giờ có thể chuyển sang khắc phục tổn thất kinh tế hậu đại dịch.
Trong khi đó, kiểm soát Covid-19 vẫn là vấn đề đau đầu đối với Mỹ, theo nhà bình luận Andelman. Sau nỗ lực tái mở cửa hối hả hồi tháng 5, Mỹ chứng kiến làn sóng bùng phát Covid-19 mới, với số ca nhiễm tăng kỷ lục ở nhiều bang, nhiều bệnh viện cũng có nguy cơ tiếp tục bị quá tải.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới, với gần 4,2 triệu ca nhiễm và hơn 147.000 người chết. Mô hình nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cuối tháng trước dự đoán ca tử vong do nCoV ở nước này có thể tăng lên 150.000 vào tháng tới.
Andelman cũng cho rằng khác với châu Âu, các biện pháp kiểm soát dịch của Mỹ hiện chưa thu được hiệu quả như mong đợi.
Khi quốc hội Mỹ tính toán gói kích thích kinh tế thứ hai, các thượng nghị sĩ phe Cộng hòa và Tổng thống Trump không thể thống nhất về việc liệu có nên bao gồm cắt giảm thuế lương hay không. Đặc biệt, Nhà Trắng cũng phản đối việc chi thêm ngân sách cho xét nghiệm nCoV, điều mà Trump từng cho là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng.
Bình luận viên Andelman cho rằng Mỹ có thể phải học hỏi rất nhiều điều từ các lãnh đạo châu Âu trong việc tìm ra tiếng nói chung giữa khủng hoảng, đoàn kết để đưa đất nước thoát đại dịch và nhanh chóng khôi phục nền kinh tế.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]