Sáng 12-1, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt và bảo đảm hoạt động ATM trong dịp Tết Bính Thân 2016.
4 năm, tiết kiệm 1.500 tỉ đồng
Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho biết NH sẽ tiếp tục chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết như những năm vừa qua. “Tết năm nay, NH Nhà nước chỉ đưa các loại tiền mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) đã qua sử dụng vào lưu thông như 3 năm trước đây” - ông Đào Minh Tú khẳng định.
Căn cứ vào lượng tiền đã qua sử dụng đang bảo quản tại kho, NH Nhà nước sẽ chuyển cho các đơn vị để chi ra lưu thông, bảo đảm nhu cầu tiền mặt vào dịp Tết. NH Nhà nước cũng yêu cầu các chi nhánh tỉnh, TP và các NH thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không đưa vào lưu thông các loại tiền mới in mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống nếu còn tồn kho, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Công tác điều chuyển tiền tới các chi nhánh - nhất là các tỉnh, thành lớn, có mức thu chi tiền mặt cao, tập trung nhiều ATM như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương… - đã được thực hiện, dự kiến hoàn thành vào ngày 25-1.
Theo tính toán của NH Nhà nước, việc không phát hành mới tiền lẻ 4 năm qua đã tiết kiệm cho ngân sách khoảng 1.500 tỉ đồng, bao gồm chi phí in, vận chuyển, đóng gói, phân loại, kiểm đếm… Trong đó, năm 2013, không in tiền mệnh giá 500 đồng giúp tiết kiệm 95 tỉ đồng. Năm 2014, không in tiền mới mệnh giá dưới 2.000 đồng đã tiết kiệm được hơn 340 tỉ đồng. Năm 2015, không in tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng giúp tiết kiệm 580 tỉ đồng và năm 2016, không in tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng tiết kiệm được 416 tỉ đồng.
Phí đổi tiền rất cao
Song song với việc không phát phát hành tiền lẻ mới, NH Nhà nước khẳng định các hoạt động kinh doanh tiền lẻ trái phép tại các di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh trên mạng, đổi tiền mới ăn chênh lệch cũng sẽ được kiểm tra và xử lý nghiêm. Việc này nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu tới tình hình lưu thông tiền tệ, tới văn hóa cũng như hình ảnh đồng tiền Việt Nam.
Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, tình trạng buôn bán, đổi tiền lẻ tuy không rầm rộ như mọi năm nhưng vẫn diễn ra và mức phí đổi tiền khá cao.
Dân buôn tiền tại Phủ Tây Hồ (Hà Nội) than phiền tình hình “làm ăn” ế ẩm, lượng khách đổi tiền ít hơn các năm trước. “Còn chưa đầy tháng nữa tới Tết nhưng khách đổi tiền vẫn chỉ lác đác như ngày thường. Phí đổi tiền vẫn không thể lên mức cao điểm như năm ngoái được. Chỉ có mùng 1 Tết thì mới mong khá hơn. Khách ngày càng có xu hướng làm công đức trực tiếp một khoản lớn tại các địa điểm tâm linh nên thói quen bỏ tiền lẻ vào hòm công đức ít hơn xưa” - chủ một bàn đổi tiền ở Phủ Tây Hồ giải thích.
Tại phố đổi tiền nổi tiếng Đinh Lễ ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, không khí cũng ảm đạm hơn mọi năm. Trong khoảng 3 giờ buổi chiều chỉ có 2-3 khách tới đổi tiền.
Một phụ nữ chuyên cung cấp dịch vụ đổi tiền lẻ tại khu vực Bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết năm nay, mệnh giá đổi tiền 500 đồng vẫn có mức phí khoảng 80%-85%. Trong khi đó, tiền mệnh giá lớn hơn một chút, mức phí dao động 50%-75%. Cụ thể, tiền mệnh giá 1.000 đồng có phí đổi khoảng 70%, mệnh giá 2.000 đồng có phí 60%-65%, mệnh giá 5.000 đồng phí 55% trở lên và có thể tăng rất cao hơn vì 2 năm nay, nhà nước hạn chế in tiền mệnh giá này.
“Trước đây, tiền 500 đồng hay 1.000 đồng đầy ra nhưng giờ nhà nước không in nữa nên hiếm lắm. Tiền 200 đồng hoàn toàn không có. Chưa biết chừng, đến cận Tết tiền khan quá, giá còn bị đẩy lên nữa” - người phụ nữ này cho biết.
Các điểm đổi tiền tại Phủ Tây Hồ hầu như có mức giá chung là 120.000-130.000 đồng tiền cũ đổi được 100.000 đồng tiền mới nguyên xê-ri mệnh giá 1.000 đồng; 250.000 đồng tiền cũ mới đổi được 200.000 đồng tiền mới mệnh giá 2.000 đồng; 100.000 đồng tiền cũ đổi được 50.000 đồng mệnh giá 500 đồng. Tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, TP Hà Nội), phí đổi tiền mới nguyên xê-ri ở mức 70%-80%.
Bao nhiêu cũng có
Dù dân buôn tiền than hiếm tiền lẻ nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề đổi tiền nguyên xê-ri số lượng lớn thì hầu hết đều trả lời là có thể “xoay đủ ngay”. Một người buôn tiền tại chùa Hà (quận Cầu Giấy) khẳng định nếu lấy số lượng nhiều sẽ có nguồn tiền đã qua tay đủ đáp ứng và có thể thỏa thuận để giảm giá chút ít. Dân buôn tiền tại phố Đinh Lễ cho hay tiền nguyên xê-ri rất hiếm nhưng vẫn có thể xoay xở được, chỉ cần báo sớm.
Đối phó tình trạng tắc nghẽn ATM dịp Tết Để tránh tình trạng tắc nghẽn ATM, NH Nhà nước đã yêu cầu các NH thương mại phải tăng chất lượng dịch vụ, đảm bảo công tác an ninh các máy ATM. Ngoài ra, các NH cần hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch để thực hiện thanh toán. Các NH thương mại cần thống nhất với các doanh nghiệp để có kế hoạch trả lương trực tiếp tại đơn vị, tránh tình trạng tập trung quá đông người tại những máy ATM gây nghẽn. Theo Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú, nhu cầu rút tiền mặt gia tăng dịp Tết do nhiều doanh nghiệp muốn giữ người, đến cận Tết mới chi trả lương, thưởng. Do đó, NH Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh NH tỉnh, TP tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu tiền mặt dẫn đến phải khất, hoãn chi cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng nhận trợ cấp xã hội. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]