Phụ nữ Ấn Độ làm việc tại dây chuyền lắp ráp đèn huỳnh quang thuộc nhà máy Ajanta ở Morbi. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Trong báo cáo mang tên "Triển vọng Phát triển châu Á 2014," ADB nhấn mạnh chính phủ các nước đang phát triển ở châu Á cần "chủ động sử dụng chính sách thuế để thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo và thúc đẩy tăng trưởng một cách toàn diện hơn."
Ngân hàng này cảnh báo các khoảng cách về thu nhập ngày càng lớn đang hủy hoại các nỗ lực thoát nghèo trong khu vực.
Ông Juzhong Zhuang, chuyên gia kinh tế của ADB, khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cần hành động ngay để đưa các mục tiêu trên vào kế hoạch chi tiêu ngân sách của nước mình để đảm bảo rằng các lợi ích từ tăng trưởng được chia sẻ cho mọi người.
Theo báo cáo trên, trong những năm từ 1990-2000, hơn 80% người dân châu Á sống tại các nước có hệ số Gini (thước đo chung về sự bất bình đẳng) ngày càng tệ.
Các lực lượng thị trường từng tạo ra tăng trưởng cho khu vực - như toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ và cải cách thị trường - giờ lại khiến tình trạng bất công gia tăng.
Báo cáo cho biết kinh nghiệm quốc tế đã chứng tỏ rằng chi tiêu công có thể giảm bất bình đẳng về thu nhập.
Ví dụ, chi tiêu của chính phủ cho ngành giáo dục và y tế có thể giúp ngày càng nhiều người nghèo được tiếp cận các dịch vụ, đồng thời mở rộng khu vực hoạt động của các ngành này.
Việc tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng cơ sở hạ tầng với giá phải chăng cũng giúp tăng cơ hội cho họ, từ đó cải thiện các điều kiện về giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng các nước đang phát triển ở châu Á đang bị tụt lại so với nhiều khu vực khác trên thế giới về đầu tư công nhằm tăng bình đẳng.
Cụ thể, chi tiêu công cho giáo dục chiếm trung bình 2,9% GDP ở châu Á, trong khi con số này là 5,3% ở các nền kinh tế phát triển, và 5,5% ở khu vực Mỹ Latinh.
Sự khác biệt càng lớn hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe 2,4% ở châu Á so với 8,1% ở các nền kinh tế phát triển và 3,9% ở Mỹ Latinh.
Báo cáo của ADB cũng gợi ý rằng chính sách giáo dục có thể thực hiện "nhiệm vụ" giảm bất bình đẳng bằng cách ưu tiên giáo dục phổ thông hoặc mở rộng đào tạo kỹ thuật và hướng nghiệp để cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng thực tế và sự hiểu biết cần thiết cho công việc sau này.
Chính sách y tế công có thể làm điều tương tự bằng cách đầu tư cho các bệnh viện hoặc trạm y tế ở nông thôn, thay vì đưa máy móc y tế tân tiến nhất đến các bệnh viện ở đô thị.
Theo báo cáo, nhiều nền kinh tế của khu vực này đã bắt đầu hướng các nguồn lực công tới các loại chi tiêu này. Tuy nhiên, việc này không kéo dài vì chi phí gia tăng để đối phó với tình trạng dân số già và sức ép môi trường sẽ vắt kiệt ngân sách trong vài thập kỷ tới.
Thu nhập cơ bản ở châu Á hiện vẫn rất thấp so với chuẩn mực toàn cầu, trong những năm 2000, tỷ lệ trung bình thu nhập bị đánh thuế trên GDP là 17,8%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 28,6% của thế giới.
Theo báo cáo trên, giải pháp để tăng thu nhập là tăng mức sàn bị đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng, đồng thời áp dụng các loại thuế lũy tiến tự nhiên về bất động sản, thừa kế..../.
Theo vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]