1. Lãi suất thấp nhất trong gần 1 thập kỷ
Mặt bằng lãi suất năm 2014 giảm 1,5-2 điểm phần trăm so với cuối năm 2013, trong đó mặt bằng lãi suất huy động giảm 1,5-2 điểm phần trăm/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2 điểm phần trăm/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các TCTD tích cực điều chỉnh giảm, với các khoản vay có lãi suất trên 13% chỉ còn chiếm chưa đến 15% trên tổng dư nợ.
Đường cong lãi suất hình thành rõ nét, qua đó tạo điều kiện cho các TCTD huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả trong nền kinh tế.
Chênh lệch lãi suất cho vay – huy động (NIM) đã ổn định sau khi giảm mạnh trong giai đoạn 2011-2013. NIM giảm từ 3,5% (năm 2011) xuống 3,2% (năm 2012) và 2,8% (năm 2013) và được duy trì ổn định trong năm 2014.
2. Làn sóng sáp nhập, mua lại công ty tài chính
Xu hướng các Ngân hàng TMCP mua lại các Công ty tài chính được kích hoạt trong năm 2014 khi Nghị đinh 39/2014 của Chính phủ cho phép công ty tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán.
Tiếp bước thương vụ HDBank mua 100% vốn Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), năm qua có nhiều thương vụ mua lại công ty tài chính thành công hoặc đã được NHNN chấp thuận như: VPBank mua đứt Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam và tăng tỉ lệ sở hữu ở Công ty tài chính dệt may lên hơn 75%; Techcombank được chấp thuận mua 100% công ty tài chính Hóa chất, SHB được chấp thuận mua lại Tài chính Vinaconex – Viettel; Maritime Bank mua lại công ty Tài chính Dệt may và chủ trương sáp nhập MDBank...
3. Ồ ạt thay lãnh đạo cấp cao ngân hàng
Có đến hơn chục ngân hàng đã thay lãnh đạo trong năm qua. Agribank sau gần 2 năm trống vắng khá nhiều vị trị lãnh đạo chủ chốt đã có dàn lãnh đạo mới hoàn toàn sau quá trình tái cơ cấu. Ông Trịnh Ngọc Khánh được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐTV, ông Tiết Văn Thành nắm Quyền TGĐ Agribank kiêm thành viên HĐTV. Ông Phạm Đức Ấn - Phó tổng giám đốc BIDV được điều động về Agribank làm Phó chủ tịch HĐTV. Agribank cũng có thêm 2 phó TGĐ mới và nhiều lành đạo cấp vụ của NHNN về làm thành viên HĐTV.
Ở Vietcombank, sau khi ông Nguyễn Hòa Bình nghỉ hưu từ đầu tháng 12, ông Nghiêm Xuân Thành được bầu làm Chủ tịch HĐQT , Ông Phạm Quang Dũng, thành viên HĐQT được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Tại Vietinbank, ông Nguyễn Văn Thắng lên làm chủ tịch HĐQT thay ông Phạm Huy Hùng nghỉ hưu. Ông Lê Đức Thọ, chánh văn phòng NHNN về làm Tổng giám đốc Vietinbank thay ông Nguyễn Văn Thắng.
Tại VietBank, nguyên Phó TGĐ của Eximbank Nguyễn Thanh Nhung về làm TGĐ của VietBank. Ngân hàng NamABank có chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Quốc thay cho em gái là bà Nguyễn Thị Xuân Loan. Tại DongABank, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Phạm Văn Bự về hưu theo chế độ. Ở KienLongBank, ông Võ Văn Châu lên nắm quyền Tổng giám đốc thay cho ông Phạm Khắc Khoan. Ở Ngân hàng Eximbank ông Phạm Hữu Phú làm Tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Quốc Hương.
Ngân hàng Navibank sau đổi tên thành Ngân hàng Quốc Dân (NCB) cũng có lãnh đạo mới là ông Vũ Hồng Nam làm chủ tịch còn bà Trần Hải Anh là Tổng giám đốc. Ngân hàng PvcomBank thì ông Nguyễn Hoàng Linh làm Tổng giám đốc thay ông Nguyễn Thiện Bảo.
Sau khi nguyên chủ tịch Oceanbank ông Hà Văn Thắm bị bắt tạm giam, bà Nguyễn Minh Thu – Tổng giám đốc đã lên thay còn bà Nguyễn Thị Mai Hương lên thay bà Thu. Nhưng sau 2 tháng, những ngày cuối cùng của năm 2014, OceanBank lại thay đổi 2 vị trí chủ chốt. Hiện nay bà Đào Thị Thúy làm Chủ tịch HĐQT trong khi ông Vũ Nhật Lâm lên nắm quyền điều hành.
Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) cũng là tâm điểm về thay đổi nhân sự năm qua. Sau khi chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh và Tổng giám đốc Phan Thành Mai bị bắt giam, bà Vũ Bạch Yến – thành viên HĐQT lên nắm quyền chủ tịch thay ông Danh còn ông Đàm Minh Đức làm Tổng giám đốc.
4. Thị trường vàng, USD ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục
Tỷ giá năm 2014 chỉ điều chỉnh 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với kế hoạch của NHNN (tối đa là 2 điểm phần trăm). Thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, niềm tin vào tiền đồng được củng cố. Nhờ đó NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục.
Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm, thể hiện qua tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức khoảng 12,4% của cuối năm 2012-2013.
Thị trường vàng diễn biến ổn định, giá vàng dao động quanh 35 triệu đồng/lượng và chênh lệch với thế giới khoảng 4 triệu đồng – tương đương cuối năm 2013. NHNN không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, góp phần hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ Bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế. Diễn biến ổn định của thị trường vàng đã góp phần duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô.
5. Số liệu nợ xấu giảm nhanh, dự phòng rủi ro tăng vọt
Theo cơ quan giám sát NHNN, vào thời điểm tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 17%, nhưng sau hơn 2 năm xử lý chủ yếu bằng các giải pháp thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tải sản bảo đảm …thì số nợ xấu này đã giải quyết được hơn một nửa. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2014 ước còn 3,7-4,2%.
Còn theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, cụ thể đến cuối tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9% và cuối tháng 9 là 3,8%; ước cuối năm 2014 còn khoảng 2,5-2,7%.
Trong khi nợ xấu của các ngân hàng giảm nhanh thì dự phòng rủi ro lại tăng vọt do các ngân hàng áp dụng phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 09 và trích lập dự phòng cho phần nợ xấu mà VAMC mua hoán đổi bằng trái phiếu đặc biệt.
Từ khi hoạt động tới nay, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được 107.000 tỷ đồng nợ xấu từ nhiều ngân hàng, riêng năm 2014 đã mua được 67.000 tỷ đồng. Theo quy định các ngân hàng phải trích lập 20% dự phòng cho khoản nợ bán cho VAMC.
6. Quyết liệt xử lý vi phạm tài chính ngân hàng
2014 có thể nói là một năm ngành ngân hàng đã rất quyết liệt đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài chính.
Cụ thể, trong hệ thống ngân hàng, do cố ý làm trái, cả nguyên chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh lẫn Tổng giám đốc Phan Thành Mai của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đã bị bắt giam, tiếp đó là nguyên chủ tịch ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) Hà Văn Thắm cùng nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn cũng bị bắt giữ.
Trong lĩnh vực tài chính, lãnh đạo nhiều sàn vàng chui cũng bị bắt giam và truy tố như VGX, Khải Thái, 24 Gold…
Ngoài ra, nhiều đại án cũng được đưa ra xét xử như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, đại án “bầu” Kiên, vụ tham ô ở Công ty cho thuê tài chính II (ALC II); đại án chiếm đoạt tài sản ở VDB Đăk Nông…
Đồng thời, hệ thống ngân hàng cũng có quy định chặt chẽ hơn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP, với các mức phạt đều tăng, với mức phạt tối đa đối với tổ chức là 2 tỷ đồng và cá nhân là 1 tỷ đồng. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng được tăng lên như Thanh tra viên ngân hàng (500.000 đồng), Chánh thanh tra giám sát ngân hàng (50 triệu đồng), Chánh thanh tra ngân hàng (1 tỷ đồng)...
7. Siết cho vay đầu tư cổ phiếu và sở hữu chéo
Bên cạnh các biện pháp yêu cầu tái cơ cấu quyết liệt, NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 36 trong năm qua, với mục đích quan trọng là siết chặt hoạt động cho vay đầu tư cổ phiếu, xử lý nợ xấu và ngăn chặn sở hữu chéo.
Những điểm quan trọng được quy định phải kể đến: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng không được vượt quá 15% và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với 1 khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của TCTD; Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh NH nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp;
NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 TCTD khác và chỉ được nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó. Đồng thời NHTM không được cử người tham gia HĐQT tại TCTD mà NHTM đã mua...
8. Nới “room” ngoại tại ngân hàng
Theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, từ 20/2/2014, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, tăng 5% so với quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP trước đó.
Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.
9. Uy tín ngân hàng tăng lên
Một điểm nhấn quan trọng nữa của hệ thống ngân hàng năm qua là uy tín tăng lên, đặc biệt là của các nhà lãnh đạo nhờ những biện pháp điều hành chính sách hài hòa.
Uy tín ngân hàng được đặt lên hàng đầu khi người ta lựa chọn nơi gửi gắm tài sản, cung cấp nguồn vốn, nơi đầu tư hay bảo lãnh cho các hợp đồng. Số liệu thống kê cho thấy, tổng phương tiện thanh toán tăng xấp xỉ 16%, tăng trưởng tín dụng đã cán đích từ ngày 22/12 (tăng 12,62%) trong khi huy động vốn tăng hơn 16% bất chấp lãi suất huy động đã giảm mạnh.
NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Thị trường vàng và ngoại hối có một năm bình lặng hiếm thấy.
Tín nhiệm của người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã tăng mạnh. Trong đó tại kỳ lấy tín nhiệm ở Quốc hội, ông Bình đứng thứ 10 trong số những đại biểu được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất và chỉ nhận 41 tín nhiệm thấp (năm 2013 là 209 phiếu). Còn tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm nội bộ lãnh đạo NHNN thì Thống đốc Nguyễn Văn Bình đạt 100% phiếu tín nhiệm cao.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]