1. Trần lãi suất huy động giảm về 5,5%/năm
Trong năm 2014, trần lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm, từ mức khoảng 7% xuống còn 6% và tiếp tục ở mức 5,5%/năm vào tháng 10/2014. Với mức giảm trên, lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Trần lãi suất huy động năm 2014 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Ảnh: Hoàng Hà.
Lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh giảm về 7%/năm với ngắn hạn, áp dụng tại các tổ chức tín dụng. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 8%/năm.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 19/12, tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,8%, và dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu định hướng 12-14% đưa ra vào thời điểm đầu năm 2014.
Về thị trường ngoại tệ, tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt khoảng 11,6%, giảm so với mức 12,4% cuối năm 2012-2013. Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục, khoảng hơn 35 tỷ USD (tính đến tháng 9/2014).
2. Ngân hàng Nhà nước bất ngờ điều chỉnh 1% tỷ giá
Ngày 18/6, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ. Theo đó, mức 21.036 đồng/USD sẽ được nâng lên thành 21.246 đồng/USD, tương đương 1%. Với biên độ cộng trừ 1%, tỷ giá trần sẽ là 21.458 đồng/USD, sàn là 21.034 đồng/USD. Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay của tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Sau khi điều chỉnh 1% vào tháng 6, tỷ giá có thể sẽ được giữ ổn định đến cuối năm 2014. Ảnh: Hoàng Hà.
Việc điều chỉnh tỷ giá được cơ quan này đánh giá là hoàn toàn chủ động, và vẫn trong biên độ cho phép (2%) mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cam kết từ trước. Trên mặt bằng giá mới, Ngân hàng Nhà nước vẫn cam kết duy trì đảm bảo thực hiện đồng bộ các biện pháp, công cụ chính sách để ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối.
3. Lạm phát ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm
Với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 7% do Quốc hội giao, chỉ số giá tiêu dùng cuối năm 2014 chỉ tăng 4,3%. Trong đó, tháng 3, tháng 11 và tháng 12, CPI bất ngờ điều chỉnh giảm, ngay vào thời điểm sau Tết nguyên đán Giáp Ngọ và ngay trước Tết dương lịch 2015. Đây được xem là năm có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Lạm phát ổn định được xem là một trong những tín hiệu tốt của nền kinh tế, dù điều đó cũng đồng nghĩa với việc tổng cầu kinh tế yếu. Ảnh: Hoàng Hà.
Lạm phát tăng quá thấp được xem là sẽ có tác động hai mặt đến nền kinh tế Việt Nam. Ở mặt tích cực, lạm phát thấp là một tín hiệu đáng mừng và là cơ hội để giảm lãi suất, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, CPI tăng thấp cũng là một chỉ báo cho thấy tổng cầu yếu của nền kinh tế.
4. Nới lỏng thời hạn cơ cấu nợ ngân hàng
Ban hành vào tháng 3/2014, thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro, được xem là một bước nới thời hạn chót cho các ngân hàng so với thông tư 02 trước đó.
Gọi đúng tên nợ xấu được kỳ vọng là biện pháp giúp tái cơ cấu và xử lý nợ hiệu quả hơn. Ảnh: Hoàng Hà.
Cụ thể, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã có thêm 6 tháng để phân loại nợ, và phải gọi đúng tên nợ xấu vào tháng 6/2014. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ có hiệu lực thi hành trong vòng một năm, từ ngày 18/3/2014 và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2015. Tuy nhiên, việc cơ cấu lại nợ sẽ phải tuân theo các quy định chặt chẽ hơn. Trong đó, mỗi ngân hàng phải có quy định nội bộ về kiểm soát và việc cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện một lần.
5. VAMC mua trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu
Trong hơn 1 năm thành lập và hoạt động, công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được trên 100.000 tỷ đồng nợ xấu. Riêng trong năm 2014, VAMC đã mua khoảng 65.000 tỷ đồng, bán và thu hồi được 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cái khó của VAMC là quá trình phát mại tài sản thông qua đấu giá không thành công. Dù nắm trong tay nhiều tài sản được coi là đẹp, nhưng công ty này vẫn không thể xử lý được, do thiếu các quy định và vướng mắc về pháp lý.
Tính đến cuối năm 2014, số nợ xấu mà VAMC mua vào đã đạt khoảng 5 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Hà.
"Chúng ta mua lại nợ xấu nhưng chúng ta không phát mại được tài sản thì không bao giờ thu lại được tiền. Thống kê trong hệ thống ngân hàng, trung bình một tài sản các ngân hàng đã siết nợ thì phải mất từ 3-7 năm mới thu được tiền. Với tốc độ xử lý như vậy sẽ gây ách tắc rất lớn trong vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cũng như của VAMC", Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận trong buổi trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội vào ngày 30/9.
6. Xét xử bầu Kiên, Huyền Như và xuất hiện các án tại ngân hàng Xây dựng, Đại Dương
Lần lượt diễn ra các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm kéo dài đến cuối tháng 12, hai vụ đại án kinh tế của Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như đang đi tới hồi kết. Trong khi bị cáo Huyền Như chấp nhận mức án phạt chung thân cho các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; thì bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị tuyên phạt 30 năm tù về tội kinh doanh trái phép, cố ý làm trái, trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên xử bầu Kiên thu hút được sự quan tâm của người dân vì tính chất nghiêm trọng và đặc biệt của vụ án. Ảnh: Hoàng Quân.
Trong năm 2014, nguyên Chủ tịch HĐQT của ngân hàng Xây dựng và ngân hàng Đại Dương đều bị bắt. Ông Phạm Công Danh, chủ tịch ngân hàng Xây dựng bị bắt về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Chủ tịch Hà Văn Thắm của OCB bị bắt vì tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngày 23/12, một cựu lãnh đạo khác của OCB là cựu Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Hoàn cũng bị bắt, do được xác định là đồng phạm của ông Thắm trong việc cho vay 500 tỷ đồng không đúng quy định.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]