1. Nợ công chạm ngưỡng nguy hiểm
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Số liệu mới nhất của Chính phủ cho thấy nợ công tính đến hết năm 2014 dự kiến lên đến mức 60,3% GDP và đến cuối năm 2015 đạt mức 64% GDP.
Theo thông lệ quốc tế, trần trả nợ công được giới hạn là 25% thu ngân sách nhưng tỉ lệ này của Việt Nam đang là 25,9% và dự kiến lên mức 31,9% năm 2015. Đặc biệt, từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu phải thực hiện vay để đảo nợ, tức là phải dành một phần vốn vay mới để trả nợ cũ. Năm 2014 Chính phủ phải vay hơn 70.000 tỉ đồng để đảo nợ thì năm 2015 dự kiến tăng gần gấp đôi, đạt mức 130.000 tỉ đồng. Số tiền lãi phải trả nợ hằng năm cũng đang tăng rất nhanh.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, khi nợ công của một quốc gia đến mức báo động đỏ, khả năng trả nợ khó khăn mà không thể cắt giảm vốn vay thì sẽ lâm vào tình trạng chủ nợ không cho vay nữa hoặc cho vay lãi suất rất cao. Khi đó người dân sẽ phải gồng mình trả nợ, ngân sách làm ra đồng nào trả nợ đồng ấy, không còn tiền dành cho đầu tư phát triển hay chi cho các mục tiêu an sinh xã hội, đẩy nền kinh tế lâm vào tình trạng trì trệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần kiểm soát tốt nợ công, không nên chỉ đặt vấn đề tỉ lệ nợ công trên GDP ở mức bao nhiêu mà phải xem xét tính bền vững của nợ công, khả năng trả nợ và tốc độ gia tăng.
2. Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn Internet)
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 16/10 bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10 tại Ý, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp ODA ở mức cao cho Việt Nam, cũng như tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, trong đó có triển khai hiệu quả Sáng kiến chung Việt - Nhật về cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
3. Ký EVFTA Việt Nam - EU: Việt Nam ‘lãi’ lớn
Sau khi hiệp định EVFTA được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng 20-25%. (Nguồn Internet)
EVFTA là một trong những hiệp định quan trọng đối với Việt Nam. Theo đánh giá của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm), sau khi hiệp định này được ký kết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng 30-40% và xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ tăng 20-25%.
Ông Bùi Vương Anh - Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Công Thương), Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Italia cho rằng “ nếu ký kết EVFTA diễn ra trước khi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN khác kết thúc đàm phán FTA với EU sẽ giúp Việt Nam đạt được điều kiện thuận lợi ngắn và trung hạn trong quá trình tiếp cận thị trường EU. Việt Nam sẽ có cơ hội để trở thành một tuyến đường thương mại quan trọng, cũng như điểm kết nối giữa các hoạt động kinh tế sản xuất ở Đông Nam Á với các nhà đầu tư EU, đồng thời có vị thế nổi bật trong các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN”.
4. ADB đã hỗ trợ Việt Nam hơn 13 tỷ USD phát triển kinh tế
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Kể từ khi khôi phục lại hoạt động tại Việt Nam vào năm 1993, ADB đã hỗ trợ Việt Nam gần 13,1 tỷ USD (tính đến tháng 9/2014), bao gồm 12,7 tỷ USD cho vay 157 dự án/chương trình; 253,5 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và 170 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Chương trình cho vay hàng năm của ADB hiện vào khoảng 1,3 tỷ USD hỗ trợ cho giao thông, năng lượng, nông nghiệp và tài nguyên, cung cấp nước và các cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị khác, giáo dục và tài chính.
Từ đầu năm đến nay, trong danh mục ADB cam kết tài trợ năm 2014 gồm 11 dự án/chương trình vay với tổng số vốn tương đương gần 1,363 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì đàm phán với ADB được 7 chương trình/dự án trong số này với tổng trị giá khoảng 878 triệu USD. Các dự án/chương trình còn lại sẽ được hoàn tất đàm phán trong những tháng cuối năm.
5. Rủi ro thị trường tài chính toàn cầu: Kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng
Theo Ông Naoyuki Shinohara - Phó TGĐ thường trực, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF: Việt Nam là một quốc gia đã hội nhập với kinh tế thế giới, nên những rủi ro từ thị trường tài chính toàn cầu sẽ ít nhiều tác động lên kinh tế Việt Nam. ( Nguồn Internet)
IMF cũng nhận định, Việt Nam sẽ không nằm ngoại lệ và cần nỗ lực cải thiện chính sách để tránh nguy cơ nền kinh tế bị trì trệ.
Theo Ông Naoyuki Shinohara - Phó TGĐ thường trực, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF: Việt Nam là một quốc gia đã hội nhập với kinh tế thế giới, nên những rủi ro từ thị trường tài chính toàn cầu sẽ ít nhiều tác động lên kinh tế Việt Nam, chính vì vậy các chính sách phải thể hiện được sự chuẩn bị cho những rủi ro này. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam nên có các chính sách khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân để các DN vừa và nhỏ có thể tiếp cận với nguồn tài chính.
Thùy Phạm (TH) - Landmarkvietnam
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]