Daniel Ally
Daniel Ally là một doanh nhân, tác giả sách bán chạy, diễn giả truyền cảm hứng. Là người thành lập The Ally Way and Dignify Designs , anh đã giúp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giúp nhiều tác giả phát triển và xuất bản sách. Ally trở thành triệu phú tự thân khi còn rất trẻ - 24 tuổi.
Dưới đây là 20 kỹ năng mà Ally cho rằng sẽ giúp các bạn trẻ trở thành triệu phú trong 5 năm:
Ứng xử với mọi người
Trong quá trình đạt dấu mốc 7 con số, tôi hiểu rằng việc ứng xử với mọi người là yếu tố quan trọng nhất. Không ai có thể trở thành triệu phú mà không biết cách ứng xử với mọi người một cách quyết đoán. Bạn phải được chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ nhất và đôi khi nó xảy ra vào những thời điểm khó khăn nhất.
Tha thứ
Tôi phải để cho bạn bè cũ và người thân biết rằng tôi đang bỏ qua quá khứ để bước tiếp.
Một lần, tôi đã kéo ông anh họ ra một góc trong một cuộc tụ tập của gia đình và nói cho anh ấy nghe cảm xúc thật sự của tôi.
Thật kỳ lạ, anh ấy qua đời đột ngột vào tuần sau đó. Nếu lần đó tôi không tha thứ cho những sai lầm của anh ấy, thì tôi sẽ bị ám ảnh suốt nhiều năm sau.
Xử lý vấn đề tài chính
Trong năm đầu tiên khởi nghiệp, tôi hầu như gặp rắc rối với vấn đề tài chính.
Cũng trong năm đó, tôi phải đối mặt với hàng chục lần thấu chi và các khoản thanh toán chậm ở hầu hết các loại hóa đơn.
Tôi phải bán xe để tiếp tục duy trì việc kinh doanh. Tôi học được rằng mình vẫn phải tiếp tục làm việc và xử lý mọi thứ bất kể thất bại và chán nản.
Ngay sau đó, chuyện kinh doanh của tôi bắt đầu khởi sắc và thu nhập của tôi tăng gấp 10 lần trong năm tiếp theo.
Hy sinh
Cái giá của kinh nghiệm thật đắt đỏ. Vào cái đêm trước khi tôi nhận được khoản thanh toán 10.000 đô la thù lao diễn thuyết trước một hội trường lớn ở Delaware, tôi phải ngủ trong ô tô, giữa thời tiết giá lạnh, một mình.
Lúc đó, tôi không đủ tiền để thuê khách sạn. May mắn là tôi có một bộ đồ len đêm đó.
Làm quen với sự xấu hổ
Một lần khác, tôi mắc kẹt tại cửa hàng rau củ với gần 100 đô la tiền hàng. Khi quẹt thẻ, thẻ của tôi bị từ chối. Sau khi dò dẫm với những chiếc thẻ tín dụng khác, tôi nhìn lại phía sau và thấy có ít nhất 10 chiếc xe hàng đang đợi tôi.
Tôi đã phải đi về và ăn cá ngừ vào ngày hôm đó – mà không có bánh mỳ hay nước sốt. Nhà tôi cũng bị cắt nước đêm hôm đó, vì thế tôi phải rửa đồ ăn bằng nước mưa.
Nhờ giúp đỡ
Có thời điểm, việc kinh doanh của tôi không hề khá hơn một chút nào cho tới khi tôi thuê được vài người chủ chốt. Tìm đến sự giúp đỡ không phải là sở trường của tôi, nhưng tôi đã làm việc đó.
Trong vòng vài tháng, tôi có một luật sư, một biên tập viên, một huấn luyện viên cá nhân, một đầu bếp bán thời gian và một vài vị trí khác. Lúc đầu, việc này mất của tôi một đống tiền, nhưng nó lại giúp tôi mang về cả triệu đô la. Hầu hết mọi người đều ngại tìm đến sự giúp đỡ vì cái tôi của mình.
Vượt qua nỗi sợ hãi
Tôi trượt môn tiếng Anh 3 lần hồi trung học. Một giáo sư đại học cũng từng đánh trượt tôi môn Viết. Trong nhiều năm, tôi tin rằng mình không bao giờ viết gì thành công, mặc dù tôi có rất nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu viết sách và viết báo, tôi đã lấy lại sự tự tin của mình. Hiện tại, tôi có hàng triệu người đọc những gì mình viết.
Thay đổi thái độ
Nhận lỗi và xin lỗi là một trong những trở ngại lớn nhất của tôi. Tôi thường đổ lỗi cho môi trường và giáo dục. Tôi cho phép hoàn cảnh quyết định cuộc sống của mình, thay vì kiểm soát nó. Cuối cùng, tôi đã phải ngồi xuống để làm mới tư duy và thay đổi thái độ của mình.
Tin tưởng người khác
Đôi khi tôi tìm tới những người bạn thân để chia sẻ cảm xúc của mình. Nó giúp tôi có được tự do, thoát khỏi những áp lực và lo lắng. Bằng cách chia sẻ bản thân với người khác, tôi có thể tối đa hóa những nỗ lực của mình và có những bước đột phá lớn trong cuộc sống.
Chấp nhận mạo hiểm
Trước khi đạt mốc 7 con số, bạn phải chấp nhận những rủi ro. Nó đòi hỏi sự tin tưởng vào bản thân và người khác.
Đúng giờ
Đúng giờ nghe có vẻ lỗi thời. Nhưng tôi nhận ra mình phải ngừng “cao su” giờ giấc trong lần tôi bị nhỡ một chuyến bay quốc tế. Ngày hôm đó, tôi ngồi ở sân bay và nhìn vào chiếc đồng hồ: tôi chỉ muộn có 2 phút. Sau khi phải đối mặt với sự thất vọng lớn, tôi đã thề sẽ đi sớm trong suốt quãng đời còn lại của mình. Và cho đến bây giờ tôi vẫn giữ đúng lời hứa đó.
Chuyên nghiệp
Có sự khác biệt lớn giữa một người nghiệp dư và một người chuyên nghiệp. Trong giai đoạn nghiệp dư, tôi tự thiết kế website, tự cắt tóc và tự thay dầu xe. Tất cả những việc này sẽ làm mất thời gian và công sức của bạn, và gây ra những thất vọng lớn trong quá trình làm.
Còn bây giờ, tôi đã giao những việc này cho những người chuyên nghiệp vì họ sẽ là người làm tốt nhất. Việc này cũng giúp tôi tối đa hóa tài năng của mình, để khả năng của mình được thể hiện tốt nhất. Hiện tại, tôi chỉ giữ những người giỏi nhất làm việc cho mình. Việc này mất thêm một chút chi phí, nhưng tôi đã học được giá trị của việc “trả giá”. Đó là việc mà người chuyên nghiệp sẽ làm.
Học tập không ngừng
Mỗi năm, tôi đọc hơn 100 cuốn sách. Tôi cũng đọc lướt hàng chục thứ mỗi tháng. Để trở thành một chuyên gia, tôi biết rằng tích lũy kiến thức trong lĩnh vực của mình cần ít nhất 4 giờ mỗi ngày. Đồng thời, tôi cũng học từ những người mà mình đã gặp, làm hết sức mình để hiểu được bản chất con người.
Đòi hỏi kỹ năng
Bạn cần kỹ năng để trả hóa đơn. Tôi luôn phải luyện cách viết ghi chú. Tôi viết tối thiểu 3.000 từ mỗi ngày. Tôi gửi đi hàng trăm email mỗi tuần và thực hiện ít nhất hơn một chục cuộc gọi vào những ngày bận rộn nhất. Những kỹ năng này của tôi có tăng lên không? Tất nhiên là có.
Nắm bắt cơ hội
Tôi học được một điều từ giới kinh doanh là, hãy bắt tay với tất cả mọi người trên khắp thế giới. Một số cơ hội tốt nhất sẽ tới từ những lần làm từ thiện – khi mà tôi chẳng trông đợi gì từ những chuyến đi này.
Từ chối cơ hội
Với hàng trăm yêu cầu từ khách hàng mỗi tuần, tôi cần quyết định cái nào là quan trọng nhất. Tôi không thể nhận cơ hội trị giá 10.000 đô trong khi để cơ hội 1 triệu đô tuột mất. Bằng cách dùng đến sự sáng suốt của mình, tôi phải bỏ qua những bữa tiệc, những bộ phim, những lễ trao giải, những bài diễn thuyết và nhiều sự kiện khác. Tôi có phiền lòng không ư? Không hề. Tôi chỉ cần chuyển cho những ai cần những cơ hội này.
Suy nghĩ lớn hơn
Một trong những quyết định lớn nhất mà tôi từng làm là chuyển từ người tiêu dùng sang nhà sản xuất. Đây là sự khác biệt: người tiêu dùng ăn pizza, người sản xuất làm ra pizza; người tiêu dùng xem video, người sản xuất làm ra video. Thay vì ích kỷ làm hài lòng ham muốn của riêng mình, tôi tìm cách để giúp những người có nhu cầu.
Không ngừng cho đi
Khi còn là một cậu choai choai, tôi chế giễu những người làm tình nguyện trong cộng đồng của mình. Đến những năm đôi mươi, tôi trở thành người làm tình nguyện tích cực nhất thị trấn. Cuộc sống của tôi thay đổi khi tôi hiểu được giá trị của việc cho đi thời gian, năng lượng, tiền bạc và sự sáng tạo của mình cho người khác. Khi bạn cho đi, bạn nhận lại nhiều hơn. Tôi phát hiện ra rằng những người giàu nhất là những người cho đi nhiều nhất, đó là lý do tại sao họ nhận được nhiều nhất. Bí mật của cuộc sống là cho đi.
Lập mục tiêu lớn
Bạn phải đặt ra những mục tiêu khiến bạn lo sợ. Bạn phải cực kỳ cụ thể khi đặt ra mục tiêu. Trong năm đầu khởi nghiệp, tôi đã đổ máu, mồ hôi và nước mắt để đạt được mục tiêu. Tôi có nhiều đêm mất ngủ, làm bất cứ điều gì để hoàn thành công việc. Hiện tại, tôi đã đạt được nhiều hơn những gì mà mình tưởng tượng.
Theo đuổi mục đích
Tôi rất sáng suốt khi nhận ra điều này: Khi bạn lớn hơn mục đích của bạn, bạn không thể làm được việc gì cả. Tuy nhiên, khi mục tiêu của bạn lớn hơn bạn thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]