Suýt bị ung thư vì lây vi khuẩn HP từ ông ngoại
Tin tức cháu bé 5 tuổi suýt bị mắc ung thư vì lây vi khuẩn HP từ ông ngoại lan truyền trên mạng mấy ngày qua khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang lo lắng.
Được biết, ban đầu cháu bé có biểu hiện đau bụng quanh rốn, chị Nguyễn Thị Hường trú tại Hoài Đức, Hà Nội (mẹ cháu bé) nghĩ con bị giun nên mua thuốc giun cho con uống. Nhưng đến khi con đau quá không chịu được, nôn ói, chị mới tá hỏa đưa con vào bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám.
Tại đây, bác sỹ siêu âm không phát hiện bệnh gì nên cho thuốc về nhà uống. Thấy con không đỡ, chị Hường cho con đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia khám, tư vấn song bác sỹ cũng không phát hiện ra bệnh. Chỉ đến khi cháu đến Bệnh viện Nhi trung ương, bác sỹ gây mê rồi nội soi dạ dày mới phát hiện cháu bị viêm dạ dày nặng.
Vi khuẩn HP rất dễ lây qua đường tiêu hóa (Ảnh minh họa).
Điều đáng nói, khi bác sỹ nói dấu hiệu bệnh, chị mới liên hệ triệu chứng của căn bệnh mà bố chị mắc phải và kết cục thật bất ngờ, cháu bé đã bị lây bệnh từ ông ngoại. Bác sỹ cho hay, cháu bé nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) độ 3 - mức độ nguy hiểm. Chỉ cần chậm trễ có thể dẫn đến tiền ung thư.
Theo tìm hiểu của PV, bố chị Hường cũng bị đau dạ dày từ lúc còn trẻ do vi khuẩn HP. Tuy nhiên, do không phát hiện sớm, đến khi bệnh tiến triển thành ung thư dạ dày và điều trị kéo dài được hai năm thì ông qua đời.
Theo BS. Nguyễn Gia Khánh - Khoa Tiêu hoá - Bệnh viện Nhi Trung ương, vi khuẩn HP rất dễ lây thông qua đường tiêu hóa và là một trong những nhiễm khuẩn mạn tính thường gặp nhất. Vi khuẩn HP gây rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng, đặc biệt dẫn tới bệnh ung thư dạ dày.
Theo các bác sỹ khuyến cáo, có tới 50 – 60% người bị ung thư dạ dày được xác định liên quan đến vi khuẩn HP. Con đường lây truyền bệnh rất đơn giản, HP dễ lây từ người này sang người khác thông qua nước bọt, từ đồ dùng vệ sinh cá nhân, dùng chung chén bát đũa muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai cho con ăn…
Cần cho trẻ đi nội soi để tầm soát bệnh
Các bác sỹ khuyến cáo, những gia đình có người nhiễm HP cần đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh cá nhân, tránh những tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, những thành viên trong gia đình cần làm xét nghiệm qua nội soi dạ dày hoặc xét nghiệm máu nhằm phát hiện vi khuẩn HP.
“Nhiều người nghĩ chỉ có người lớn mới nhiễm vi khuẩn HP hoặc những người có tiền sử dạ dày. Tuy nhiên, đó là quan niệm sai lầm. “Thủ phạm” HP không chừa bất kỳ đối tượng nào.
Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP ngày càng trở nên phổ biến ở các nước đang phát triển như Việt Nam do điều kiện sống, khả năng tầm soát vi khuẩn HP còn hạn chế”, một bác sỹ chuyên khoa tư vấn.
Các bác sỹ cho hay, người mắc vi khuẩn HP có thể điều trị dứt điểm nếu được điều trị sớm bằng cách dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Các bậc phụ huynh cần làm nội soi dạ dày cho trẻ, không chỉ để tìm HP mà quan trọng hơn là đánh giá thực quản, dạ dày và tá tràng trẻ có tổn thương chưa, nếu có thì ở dạng nào (viêm hay loét, một hay nhiều chỗ), thể nặng hay nhẹ…
Khi nội soi, bác sỹ sẽ sinh thiết để xem trên kính hiển vi xác định tổn thương, đồng thời tìm HP bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]