Lây nhiễm Covid-19 từ chợ hoa Mê Linh
Sáng 13/4, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP Hà Nội.
Ông Chung nói, UBND thành phố đã hoãn một số cuộc họp để họp Ban chỉ đạo vào buổi sáng.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, ngay từ khi phát hiện các ca bệnh 256, 257, thành phố đã chỉ đạo huyện Mê Linh, xã Mê Linh, các quận, huyện tiến hành rà soát, xác định rõ về chợ hoa trên địa bàn thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh có liên quan các trường hợp nào.
"Qua sơ bố báo cáo, chợ hoa trên thôn Hạ Lôi, và trên địa bàn xã Mê Linh liên quan đến hai nơi chuyển hàng cung cấp về đây rất lớn.
Một là hoa chở từ Đà lạt ra và thứ 2 là hoa chở từ Lào Cai về. Theo tôi hiểu là chuyển từ Lào Cai thì có cả từ bên Côn Minh (Trung Quốc) chở về đây. Sau đó chợ hoa này phân phối bán đi các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra”, ông Chung nói.
Theo ông Chung, có 2 nhóm nguy cơ cao cần quan tâm. Thứ nhất là những người dân thôn hạ Lôi (thuộc 6 xóm) trồng 100ha hoa, cung cấp trong địa bàn TP. Trong đó có hoa cúc, chủ yếu dùng cho các nhà tang lễ, khu vực làm vòng hoa phục vụ đám tang.
Nhóm này trực tiếp cầm hoa, trực tiếp tiếp xúc. Nhóm thứ 2 là nhóm người mua bán lẻ, trên các chợ và nhóm người thôn Hạ Lôi đi giao hàng trong TP.
"Nếu rõ ra, con đường đi ngóc ngách của hoa là đi đến tận từng cơ quan, liên quan giao hoa về từng đại lý, từ đại lý đến tận các cơ quan nhỏ. Và nếu mà như thế, tính theo con đường ngóc ngách có thể đến tận UBND TP", Chủ tịch UBND TP nêu nguy cơ.
Từ việc xác định nguy cơ như vậy, ông Chung đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có các nhà tang lễ trên địa bàn như quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy; các địa bàn có chợ hoa như Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Đông Anh… làm rõ các mối liên quan đến buôn bán hoa từ chợ hoa ở Mê Linh.
Người đứng đầu UBND TP cho rằng, 2 tuần vừa qua là "sóng gió" đối với Hà Nội. Từ những ca đầu tiên được phát hiện ở Hà Nội ngày 6/3, đến nay đã 1 tháng 6 ngày, Hà Nội là địa bàn "nóng bỏng" với số ca nhiễm nhiều nhất, số ca lây ngoài cộng đồng lớn nhất, ổ dịch lớn nhất là Bệnh viện Bạch Mai, tiềm tàng nguy cơ nhiều nhất.
Ảnh Hoàng Hải.
Việc không đồng bộ, không nhất quán, tạo sự phân tâm cho người dân
Chủ tịch Hà Nội cho hay, cuộc họp hôm nay có ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ sẽ có ý kiến phát biểu.
Quan điểm của ông Chung, qua việc rà soát những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai mới ra bệnh nhân số 243, và từ bệnh nhân này mới ra một loạt những người sau này.
"Chúng ta phải khẳng định đi tìm những người liên quan Bệnh viện Bạch Mai mới ra ca 243 này và ca 243 này có đến Bệnh viện Bạch Mai .
Chúng ta đã thống nhất quan điểm rất rõ ràng là những ai đến Bệnh viện Bạch Mai là có nguy cơ lây cao", ông Chung nói.
Ông Chung cũng yêu cầu CDC Hà Nội, các chuyên gia cần phân tích kỹ và đưa ra các đúc kết logic, chọn xác suất nhiều hơn, đưa ra nhận định thống nhất, tránh "tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".
"Cơ quan chuyên môn cứ thỉnh thoảng có chuyên gia nói ngược. Tôi giữ quan điểm rất rõ ràng. Vì chúng tôi tìm người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai mới ra ca 243 và từ ca 243 mới ra Hạ Lôi.
Và tìm ra Hạ Lôi vì công tác xét nghiệm và những người này chủ yếu không có triệu chứng. Đề nghị các anh đánh giá rõ về việc này, xem có những gì hướng dẫn cơ quan chuyên môn của Hà Nội, trên tinh thần đó làm cho rõ hơn", ông Chung nêu rõ.
Nói về việc đến sáng nay, Hà Nội có 117 ca dương tính Covid-19 nhưng theo số liệu của Bộ Y tế là 112 ca, vậy số trường hợp còn lại đang ở đâu…, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, cần thay đổi cách làm, bởi nếu không không đồng bộ, không nhất quán về thông tin, sẽ làm người dân phân tâm.
Ông nhấn mạnh, công tác phòng, chống Covid-19 đều dựa trên chỉ đạo từ TƯ. Nếu Hà Nội là tỉnh khác sẽ không được cơ quan chuyên môn y tế chú ý nhiều. Trên địa bàn Hà Nội, Ban chỉ đạo TƯ cũng họp liên tục, dựa trên chỉ đạo đó, Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt.
"Tôi nghĩ những gì vào cuộc của địa phương dựa trên trực tiếp cũng nên tôn trọng. Tránh tình trạng ở trên các chuyên gia cứ phát ngôn, tôi nghe dư luận quần chúng nhân dân rất bức xúc", ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho rằng, không phải Hà Nội "tranh" thông tin công bố về ca mắc Covid-19. Giai đoạn 1, Bộ Y tế cho phép CDC Hà Nội xét nghiệm loại trừ, giai đoạn 2 cho xét nghiệm khẳng định.
"Chúng tôi chỉ yêu cầu, nếu đã cho phép Hà Nội xét nghiệm khẳng định, các anh cập nhật và công bố luôn. Ví dụ ca bệnh chiều hôm qua, Hà Nội đã báo từ chiều tối hôm trước, đáng ra buổi sáng là cần công bố, nhưng để đến buổi chiều hôm qua mới công bố.
Người dân buổi sáng cứ thấy báo chí đưa tin buổi sáng thứ nhất, sáng thứ 2 không thấy gì thì tôi xin nói với các anh là Chỉ thị 16 không thực hiện được", ông Chung nói thêm.
Từ thực tế này, ông Chung cho rằng, có việc không đồng bộ, không nhất quán, tạo sự phân tâm cho người dân.
Vì thế, cần phải mổ xẻ, nhận định trong thời gian tới như thế nào, cái gì chỉ đạo chưa đúng thì phải mạnh dạn sửa ngay vì dưới cơ sở làm trực tiếp, nếu "cứ chung chung khó làm lắm".
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]