Phát biểu tại hội thảo mới đây về phòng chống loãng xương, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Đại học Y Hà Nội cho rằng, loãng xương là bệnh phổ biến ở Việt Nam. Khoảng 25% phụ nữ 50 tuổi trở lên loãng xương ở cổ xương đùi; gần 50% bị loãng xương ở cột sống thắt lưng. Tỷ lệ này thấp hơn Hong Kong, nhưng cao hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng vậy, cứ 10 nam giới thì có một người bị loãng xương cổ xương đùi.
Máy đo loãng xương.
Hậu quả đáng ngại nhất của loãng xương là gây gãy xương, tăng nguy cơ tử vong và tăng chi phí y tế. Vì thế việc chẩn đoán sớm và chính xác đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Việt Nam đã có giá trị tham chiếu về mật độ xương cho người Việt. Tuy nhiên có một thực tế là tất cả máy đo mật độ xương ở nước ta chưa sử dụng tham chiếu này của người Việt. Vì thế, nhiều người đang bị chẩn đoán oan nên điều trị oan, tiến sĩ Hương cho biết.
Tiến sĩ Hương lấy ví dụ 2 máy đo loãng xương của 2 trung tâm tại TP HCM và Hà Nội, trong vòng 2 năm có 4.500 nam giới đến đo. Kết quả có 23% được chẩn đoán bị loãng xương nếu sử dụng tham chiếu do hãng cung cấp. Tuy nhiên, nếu sử dụng tham chiếu của người Việt thì có 7% bị loãng xương và sử dụng tham chiếu của Nhật Bản thì là 10%. Như vậy có khoảng 13% người bị chẩn đoán oan tương đương với 730 người.
Trong khi đó, để điều trị một ca loãng xương người bệnh phải chi trả tối thiểu 10 triệu đồng một năm. Không những thế họ còn chịu những tác dụng phụ không cần thiết do thuốc gây nên. Vì thế, theo tiến sĩ Hương cần đưa giá trị tham chiếu của người Việt vào ứng dụng trong lâm sàng để giảm chẩn đoán và điều trị oan cho người bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Trương Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y-Xã hội học cho rằng, loãng xương là một trong các bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu và đang tồn tại như một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe và đặc biệt là đối với phụ nữ. Tại Việt Nam, tình trạng loãng xương tuy diễn ra âm thầm nhưng cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh ở mức khoảng 25% và tỷ lệ giảm mật độ xương cũng đã ở mức 50%.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, canxi trong khẩu phần ăn thấp là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương. Giá trị canxi trong khẩu phần ăn của người Việt sau 25 năm không thay đổi, vẫn ở mức 500mg/người/ngày. Khẩu phần này chỉ đáp ứng 57-64% nhu cầu canxi của mỗi người; hậu quả dẫn đến tình trạng thiếu canxi trường diễn.
Không những thế, khẩu phần canxi ít ỏi này còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như tiêu thụ nhiều protein, thói quen ăn mặn, uống nước có ga... Lấy ví dụ trong 5 năm (2005-2009), tiêu thụ nước ngọt có ga của nước ta tăng gấp đôi - việc tiêu thụ nước ngọt này khiến canxi trong khẩu phần ăn không hấp thụ được mà bị đào thải ra bên ngoài.
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng chống loãng xương người bệnh cần đảm bảo đủ canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn theo nhu cầu khuyến nghị; Giữ vững cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn; Không hút thuốc, không sử dụng nhiều rượu bia; Đi khám khi thấy các triệu chứng về xương khớp.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]