Tác hại kinh hoàng của việc "làm đẹp" măng tươi bằng chất vàng ô
Chất vàng ô, một loại hóa chất độc hại được tìm thấy ở 7 trên 9 mẫu măng có màu vàng được Đà Nẵng gửi vào TP.HCM kiểm nghiệm.
Đây là con số được ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng cho biết hôm 31/3. Theo đó, trong 9 mẫu măng Đà Nẵng gửi vào Trung tâm phân tích thí nghiệm (Sở Khoa học Công nghệ TP HCM) kiểm nghiệm thì chỉ có 2 mẫu măng màu trắng tự nhiên không có chất vàng ô; còn 7 mẫu măng tươi có màu vàng đều phát hiện tồn dư chất vàng ô (Auramine O).
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Đà Nẵng đã yêu cầu những người liên quan dừng ngay việc bán và chế biến măng có chất cấm này, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng măng chứa chất vàng ô, mà chỉ nên sử dụng măng tươi.
Hồi tháng 1/2016, tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại một cơ sở sản xuất chế biến 7 tấn măng tươi và hơn 300 kilogam măng đã ngâm hóa chất tạo màu. Tại đây, các công nhân đã sử dụng một muỗng nhỏ hóa chất phụ gia cho vào nước để ngâm khoảng 1 tấn măng tươi ở công đoạn sau khi luộc chín và sau 5 giờ cho ra sản phẩm măng màu vàng tươi dù trước đó làm màu trắng đục.
Ngay sau khi công bố thông tin trên, nhiều người tiêu dùng rất lo lắng, khi măng là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. Đáng nói hơn chất cấm Aurmine là một chất nhuộm vải, theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) đây là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.
Biểu hiện của ngộ độc măng tươi
Tùy theo hàm lượng cyanide có trong măng mà người ăn có biểu hiện ngộ độc ở mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi ăn măng khoảng từ 5 - 30 phút. Trường hợp nhẹ, biểu hiện sợ hãi, lo lắng, chóng mặt, đau đầu, rối loạn ý thức, buồn nôn, nôn, kích thích niêm mạc đường hô hấp…
Trường hợp nặng có biểu hiện co giật, cứng hàm, duỗi cứng, giãn đồng tử, suy hô hấp, tím tái, hôn mê. Nặng hơn nữa sẽ ngừng thở, tim đập nhanh và không đều, rối loạn dẫn truyền nhĩ thất, là nguyên nhân chính gây tử vong sau vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xử trí ngộ độc măng
Khi người ăn nhiều măng xuất hiện các dấu hiệu trên, cần ngay lập tức giúp nạn nhân nôn, có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Làm hô hấp nhân tạo nếu ngừng thở, đưa ngay nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Cách khử độc măng
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng măng tươi, chúng ta có thể áp dụng những cách khử độc sau đây:
Cách 1:
Bóc hết bẹ lá (vỏ măng), rửa sạch đất cát rồi tùy theo từng loại măng độc nhiều hay ít, măng thường hay măng đắng mà có cách xử lý khác nhau. Có thể cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
Cách 2:
Măng tươi hái về bóc vỏ, bỏ vào nồi nước luộc. Luộc đi luộc lại khoảng 2-3 lần. Sau đó mang ra ngâm nước gạo trong vòng 2 ngày là ăn được (thay nước gạo thường xuyên, 2 lần/ngày). Hoặc luộc nhiều lần qua nước sôi rồi xả lại bằng nước sạch. Đến khi nào măng mềm nghĩa là chất đắng cũng đi hết, lúc đó mới đem chế biến món ăn.
Cách 3:
Măng hái về bóc vỏ, cắt thành từng lát nhỏ, bỏ thêm nắm lá rau ngót rồi cho vào nồi luộc qua một lần. Khi măng đã chín, nhấc xuống chắt hết nước nóng đi, rồi đổ nước lạnh vào, vớt bỏ lá rau ngót và xả lại với nước lạnh một lần nữa là có thể đem chế biến món ăn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]