Theo Cục Quản lý Dược, những năm gần đây, qua các mẫu kiểm tra, tỷ lệ thuốc giả đã giảm dần nhưng tỷ lệ thuốc kém chất lượng lại tăng lên. Trong năm 2012, trong 35.000 mẫu kiểm tra tỷ lệ thuốc kém chất lượng chiếm 3,09%. Chín tháng đầu năm 2013, trong 32.000 mẫu được kiểm tra đã có 3.08% mẫu thuốc kém chất lượng. Ấn Độ đứng đầu bảng số lượng thuốc sai phạm, sau đó tới Trung Quốc, Pakistan.
Thống kê qua các đợt kiểm tra, các “lỗi” sản phẩm đa phần thuộc về các nhà sản xuất dược Châu Á. Các sản phẩm dược sản xuất tại Châu Âu thường được đánh giá cao về tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng thuốc nhưng có một tiêu chí quan trọng người Việt cần lưu tâm chính là tiêu chuẩn vùng nhiệt đới của các sản phẩm dược này.
Khi được hỏi về khái niệm sản phẩm dược chế tạo theo tiêu chuẩn vùng nhiệt đới, chị Mỹ Anh (Kim Mã, Hà Nội) nhíu mày: “Lần đầu tiên tôi nghe về tiêu chuẩn này. Tôi vẫn thường mua thuốc sản xuất tại Đức, Ba Lan, Ý…, thậm chí nhờ bạn bè xách tay về một số loại thuốc bổ của Đức nhưng chưa bao giờ biết tới tiêu chuẩn này”.
Không riêng chị Mỹ Anh mà đa số những người tiêu dùng khi được hỏi đều có chung câu trả lời là không biết tới tiêu chuẩn này. Anh Đức Long (nhân viên ngân hàng, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Từ trước tới nay tôi thường mua thuốc theo đơn, chỉ định của bác sỹ, tư vấn của dược sỹ hay bạn bè chứ không quá quan tâm tới thành phần, tiêu chuẩn. Tôi cũng lần đầu tiên nghe thấy tiêu chuẩn vùng nhiệt đới của thuốc”.
Tiến sỹ y khoa Rajmund Martyniuk, Phó Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Ba Lan Polpharma cho biết: “Các loại dược phẩm sản xuất cho các nước nhiệt đới được thiết kế, phát triển dựa trên thông tin về sự ổn định của sản phẩm liên quan tới các đặc điểm khí hậu. Những sản phẩm này phải đảm bảo tính hiệu quả trong toàn bộ vòng đời từ khi nằm trên giá tới lúc người sử dụng.
Để đảm bảo điều này, các sản phẩm dược sẽ được đưa vào phòng thử nghiệm lớn có điều kiện khí hậu nhân tạo giống nhiệt độ, độ ẩm như các nước nhiệt đới. Các sản phẩm được thử nghiệm trong khoảng 2-3 năm và thường xuyên kiểm tra, kiểm nghiệm để đảm bảo sản phẩm vẫn duy trì được dược lực trong toàn bộ vòng đời với điều kiện môi trường như vậy. Bao bì đóng gói các sản phẩm đặc biệt cho các nước nhiệt đới cũng được lưu tâm để đáp ứng khâu bảo quản”.
Ông Rajmund Martyniuk cũng nhấn mạnh, đó cũng là lý do khiến sản phẩm dược sản xuất cho vùng nhiệt đới phải mất nhiều thời gian mới có thể chuyển tới thị trường Châu Á hơn so với Châu Âu.
Khí hậu ôn đới Châu Âu nói chung có nhiệt độ và độ ẩm thấp hơn rất nhiều khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở Việt Nam. Nếu không đạt tiêu chuẩn sản xuất vùng nhiệt đới, các loại thuốc sản xuất tại Châu Âu rất khó đảm bảo dược lực cho người dùng, thậm chí có thể gây biến chất, hỏng trong quá trình bảo quản.
Người tiêu dùng nên tự trang bị kiến thức về thuốc cho mình để sử dụng thuốc đúng, hiệu quả.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]