Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Năm bệnh nhân ngộ độc nặng trên là người dân tộc Dao ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên gồm cả người lớn, trẻ vị thành niên và trẻ nhỏ.
Tiến sỹ Phạm Duệ cho biết, tối 9/3, trung tâm tiếp nhận các bệnh nhân trên từ tuyến dưới chuyển lên. Khi đó, các bệnh nhân trong tình trạng chung là men gan tăng cao, các tế bào gan có nguy cơ bị hủy hoại. Hiện nay, chưa thể khẳng định bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Những bệnh nhân nói trên thuộc hai gia đình, trong đó có hai mẹ con ruột là chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) và cháu Lý Minh Khôi (13 tuổi) cùng một người cháu họ Lý Thị Thùy (14 tuổi). Hai bệnh nhân còn lại là cặp vợ chồng gồm bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) và chồng là ông Thiệu Nho Phú (58 tuổi).
Theo tiến sỹ Duệ, trường hợp nặng nhất là bệnh nhân Vũ Thị Hồi, nhập viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, mất nước, trụy mạch, kèm theo hội chứng rối loạn tiêu hóa…
Loại nấm các bệnh nhân ăn tán màu trắng, cuống có bầu, gần giống nấm thường, ăn rất ngọt nhưng rất nguy hiểm. Với các bệnh nhân trên, sau 15 tiếng, các triệu chứng ngộ độc mới bắt đầu xuất hiện.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, chị Lý Thị Thơm (35 tuổi) cùng con, cháu vào rừng hái được hơn 1kg nấm tươi. Sau đó, chị Thơm vào nhà người quen trong rừng nấu nồi canh nấm cho 5 người cùng ăn.
Sau ăn hơn 10 tiếng, cả 5 người đều có biểu hiện ngộ độc như nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy... và được chuyển đến bệnh viện huyện cấp cứu. Tuy nhiên, đây là những ca cấp cứu nặng nên bệnh nhân được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Nguyên và sau đó chuyển tiếp xuống Trung tâm chống độc.
Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc cho hay, việc điều trị cho các bệnh nhân sẽ rất khó khăn nếu họ bị suy gan, suy thận. Vì như vậy các bệnh nhân sẽ phải lọc máu liên tục, mỗi lần lọc cũng hết 15-16 triệu đơn vị. Như thế, nếu cứu được thì cũng rất tốn kém, dù có bảo hiểm cũng phải mất hàng trăm triệu đồng để điều trị.
Trong khi đó, các bệnh nhân là người dân tộc Dao, đời sống rất khó khăn. Trường hợp của hai cụ già trên sau khi bị ngộ độc vẫn không đi điều trị, chỉ đến khi có sự can thiệp của chính quyền địa phương vận động tích cực thì hai cụ già trên mới vào viện điều trị. Trong những ngày qua, bệnh viện phải cung cấp suất ăn miễn phí cho cả bệnh nhân và người nhà đi theo.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo người dân về tình trạng ngộ độc nấm vào mùa Xuân.
Ông Phong khuyến cáo người dân khi khai thác và sử dụng nấm mọc tự nhiên chỉ sử dụng khi biết chắc chắn là nấm ăn được; kiểm tra, xác định nấm thật kỹ trước khi chế biến thành món ăn; phải kiên quyết loại bỏ nấm lạ; tuyệt đối không ăn thử nấm vì nếu là nấm độc có thể gây chết người.
Người dân không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm (đối với nấm tán) vì lúc đó chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của chúng nên không xác định được rõ loài, không nên ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, phát sáng vào ban đêm.
Trong trường hợp khi bị ngộ độc nấm thì người nhà cần đưa người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị kịp thời./.
Theo Thùy Giang - Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]