Tại BV Mắt Hà Nội, cứ 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ. Tại BV Mắt Hà Đông, từ đầu tháng 6 đến nay số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 15-20 bệnh nhân đến khám tại bệnh viện. Còn tại BV Mắt TƯ năm nay số lượng người đến không ồ ạt như mọi năm nhưng cũng gia tăng số ca đau mắt đến khám.
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính cần dễ lây lan trong cộng đồng
Nguyên nhân chủ yếu của bệnh đau mắt đỏ là do virus Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Thời điểm này, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, môi trường nhiều khói bụi, vệ sinh kém, sử dụng nước ô nhiễm, dùng chung khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát.
Những người nhảy cảm với thời tiết, có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị nhiễm bệnh nhất. Triệu chứng ban đầu của bệnh đó là người bệnh cảm thấy nóng rát trong mắt, cộm mắt như có vướng vật gì bên trong, kèm theo đó là cảm giác đau, nhìn nhờ, chói mắt. Lúc này mi mắt bị sưng nhẹ và người bệnh liên tục chảy nước mắt rất khó chịu. Trong thời gian bị đau mắt đỏ người bệnh cũng cảm thấy mắt đỏ lên, có ghèn rất nhiều và buổi sáng thức dậy thường không mở mắt ra được vì dính ghèn.
Đối với những trường hợp đau mắt đỏ nặng có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết kết mạc, có giả mạc khiến cho người bệnh cảm thấy rất vướng bên trong mắt và khi gặp những triệu chứng như vậy thì cần phải được điều trị đúng cách. Đây là bệnh rất dê lây lan và có thể thành dịch trong cộng đồng!
Nên chữa đau mắt đỏ theo phương pháp dân gian?
Theo BS Nguyễn Vinh Quang, Trường khoa Khám bệnh BV Mắt Hà Nội, đau mắt đỏ là bệnh thường gặp vào mùa nắng nóng. Hiện trung bình cứ 50 người đến khám mắt thì có khoảng 10 người bị đau mắt đỏ. Bệnh tuy lành tính nhưng nếu người dân tự ý chữa trị đau mắt đỏ ở nhà không đúng loại thuốc, đến khi không khỏi, nặng mới đến khám sẽ thường để lại di chứng nặng nề.
Ths. Bs Hoàng Cương, Phó trưởng Phòng quản lý khoa học và đào tạo, BV Mắt TƯ thông tin thêm: Nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám trong tình trạng nặng do dùng thuốc truyền miệng từ lá trầu không, hạt khô của các loài cây. Mặc dù đã có khuyến cáo nhưng năm nào BV cũng tiếp nhận những biến chứng do tự điều trị.
Với những phương pháp dân gian như dùng 2 quả trứng gà luộc lên bóc vỏ lăn lên 2 mắt là hết bệnh đau, hay lấy một nhánh củ gừng và 4 ngọn cây lá mơ gồm thân, lá và hoa, sau khi rửa sạch giã nát lấy nước thấm vào vùng mắt bị đau. Phần bã của chúng dùng để đắp kín vùng mắt... Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau các bài thuốc dân gian như rau mùi, hạt cây thì là, khoai tây, mật ong… đắp, rửa mắt. Tuy nhiên các bài thuốc đông y không thể chiết xuất thành thuốc tra mắt được hoặc không được tiệt trùng sạch vi khuẩn do đo rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Vì vậy khi bị đau mắt đỏ biện pháp tốt nhất là vệ sinh tốt và dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Phòng ngừa đau mắt đỏ trong cộng đồng
Việc nhìn nhau không gây lây truyền đau mắt đỏ. Bệnh đau mắt đỏ thường lây lan qua 3 đường chính là hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt và quan hệ vợ chồng. Để phòng tránh,cần chặn những đường lây này. Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, khỏi sau 7 đến 10 ngày. Đau mắt đỏ gây dịch dễ lây lan, gần như đã thành thường niên vào mùa thu ở Hà Nội. Khi tiết trời bắt đầu sang thu, hanh khô bệnh sẽ ít đi.
- Không dụi mắt bằng tay.
- Rửa mặt ít nhất 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng. Giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng.
- Rửa tay kỹ và thường xuyên với nước ấm, nhất là trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (sáng, trưa, tối).
- Lau rửa dịch dử mắt 2 lần/ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó vứt ngay.
- Người bệnh cần được nghỉ ngơi, điều trị cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5-7 ngày phải đến khám lại.
- Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng để nhanh lành bệnh hơn.
- Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]