(Ảnh minh họa: Internet)
Biến chứng tim mạch do bệnh đái tháo đường luôn là biến chứng phổ biến, là nguyên nhân gây đột qụy và tử vong cao nhất ở người bệnh đái tháo đường.
Thông tin trên đã được đưa ra tại hội nghị triển khai Dự án Phòng chống bệnh đái tháo đường quốc gia do Bộ Y tế và Bệnh viện Nội tiết tổ chức ngày 24/9.
Tại Việt Nam, theo điều tra năm 2001, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tại khu vực nội thành của 4 thành phố lớn là 4%, nhưng đến năm 2008, tỷ lệ sơ bộ mắc bệnh này chung toàn quốc là 5,7%.
Trong khi bệnh đái tháo đường ở Việt Nam phổ biến và có tốc độ phát triển thuộc nhóm nhanh nhất thì nhận thức của cộng đồng về bệnh đái tháo đường, nhất là kiến thức về phòng bệnh lại rất thấp.
Trên 80% số người tham gia nghiên cứu không hiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường và kiến thức về phòng bệnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc bệnh viện Nội tiết cho biết, bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường typ 2 là bệnh khởi phát do sự tác động qua lại giữa yếu tố môi trường và yếu tố gien, có tính cộng đồng và liên quan nhiều đến thói quen sinh hoạt và lối sống. Vì thế bệnh hoàn toàn có thể phòng chống được ở mức cộng đồng. Tuy nhiên, do nhận thức về bệnh tật thấp cũng như những hạn chế của mạng lưới y tế nên tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường không được phát hiện trong cộng đồng còn cao với 64,5%.
Dự án phòng chống bệnh đái tháo đường đã được Chính phủ phê duyệt (19/12/2008) thành Dự án mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2008-2010 thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010".
Dự án phòng chống bệnh đái tháo được bắt đầu triển khai từ năm nay với mục tiêu đào tạo và đào tạo lại số cán bộ tuyến cơ sở tham gia dự án, đảm bảo 100% cán bộ tuyến tỉnh thành thạo về sàng lọc các đối tượng yếu tố nguy cơ cao tại cộng đồng và tư vấn thường xuyên cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao...
Được biết, năm 2009, Dự án Phòng chống bệnh đái tháo đường được Chính phủ phê duyệt (20/8/2009) bổ sung ngân sách với tổng số tiền là 29,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí cấp cho các tỉnh là trên 23 tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 1995 có 135 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới (chiếm 4% dân số thế giới), dự báo đến năm 2010 sẽ là 221 triệu người và năm 2025 là 330 triệu người mắc căn bệnh này (chiếm 5,4%).
Cũng theo thống kê của WHO, cứ 30 giây lại có 1 người mắc bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chi, mỗi ngày có 5.000 người mất khả năng nhìn do biến chứng về mắt của bệnh đái tháo đường, mỗi năm có khoảng 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan tới đái tháo đường...
Như vậy, đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường typ 2 đang là gánh nặng thực sự cho sự phát triển kinh tế-xã hội và sức khoẻ của con người toàn thế giới trong thế kỷ 21.
Phát biểu tại hội nghị, ông Jean Mars Olivé, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam đã đưa ra kiến nghị để Dự án Phòng chống bệnh đái tháo đường quốc gia triển khai có hiệu quả, Bộ Y tế Việt Nam cần chuyển dần việc quản lý người bệnh đái tháo đường về tuyến xã nhằm giảm chi phí cho điều trị và gánh nặng cho các bệnh viện và bệnh nhân.
Tại Trung tâm y tế xã nên xem xét áp dụng gói dịch vụ cơ bản cho các bệnh không lây, trong đó có bệnh đái tháo đường, xây dựng chính sách hỗ trợ phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường như bảo hiểm y tế, chế độ cho cán bộ y tế cơ sở..
Theo vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]