Nói một cách tượng hình, sinh tố B1 giữ vai trò của tia lửa trong động cơ máy nổ. Thiếu B1 thì chất đường từ thực phẩm không đi đúng vào quy trình thoái biến để cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt cho nhu cầu vận động bắp thịt và dẫn truyền thần kinh. B1 hầu như có mặt trong đủ loại thực phẩm nhưng có hàm lượng đáng kể trong thịt và mễ cốc như nếp, lúa mì, đậu xanh, đậu nành.
Vì dễ bị đào thải qua nước tiểu nên cơ thể rất dễ thiếu hụt B1 nếu không tiếp tế sinh tố này trong thời gian đôi ba tuần. Kẹt cho người tiêu dùng là B1 rất nhạy cảm. Chỉ cần ngâm rửa quá lâu, nấu quá chín thì phần lớn sinh tố B1 trong thực phẩm bị phá hủy. Sau khi ra lò chỉ cần hâm nóng lần thứ hai thì gần phân nửa lượng sinh tố B1 trong bánh mì bị thất thoát.
Một số thực phẩm như bắp cải, bông cải, nếu ăn sống thì một chất men có sẵn trong cải phá hủy sinh tố B1. Ngược lại, khả năng cung ứng sinh tố B1 được cải thiện rất nhiều khi dùng cải chung với dầu thực vật hay trái cây tươi có nhiều sinh tố C. Lượng B1 trong nếp khá cao nên không nhất thiết phải có cao lương mỹ vị mới cung cấp đủ sinh tố B1, thường khi chỉ cần món khoái khẩu của thằng bờm: nắm xôi!
Kết quả nghiên cứu thời gian gần đây cho thấy sinh tố B1, dù chỉ ở liều thấp, có tác dụng hưng phấn hoạt tính của nội tiết tố insulin. Thầy thuốc ngành nội tiết ở Đại học Mannheim, CHLB Đức từ lâu áp dụng sinh tố B1 trong phác đồ điều trị để góp phần ổn định đường huyết cho người bệnh tiểu đường.
Nếu xét về tính đa dạng, B1 quả thật xứng đáng được xếp vào vị trí hàng đầu của nhóm sinh tố B.
Theo Bác sĩ Lương Lễ Hoàng - nld.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]