Hội chứng si mê bàn chân phổ biến hơn người ta vẫn nghĩ
Một người tự nhận mình là “tiên ngậm chân” vừa bị bắt tại Mỹ sau một loạt vụ tấn công phụ nữ theo một kiểu hết sức kỳ cục. Reuters đưa tin Michael Robert Wyatt, 50 tuổi, tiếp cận phái yếu trong các cửa hàng, thốt lời khen ngợi đôi chân họ trước khi đòi... ngậm ngón chân của người này. Điều đáng chú ý là Wyatt trước đó đã ngồi tù vì phạm tội tương tự. Trong lần tấn công cuối cùng, Wyatt, người Arkansas, còn giả làm thợ làm móng để được rờ rẫm và… mút chân một nạn nhân trong cửa hàng quần áo.
Mặc dù những trường hợp phạm tội trên thực tế xuất hiện khá hiếm hoi, chứng cuồng chân phụ nữ, như tên gọi đối với tình trạng này, phổ biến một cách đáng ngạc nhiên. Các nghiên cứu về sự thịnh hành của các hội chứng si cuồng thân thể (loại trừ các bộ phận sinh dục) cho thấy bàn chân và các phụ kiện liên quan đến bộ phận này là phần được các “tín đồ” mê đắm nhất. Gần phân nửa số người tập trung vào chân cẳng người khác phái, và gần 2/3 người tôn sùng đồ vật có liên quan đến đôi chân như giày và vớ.
Bác sĩ thần kinh kiêm nhà tâm lý học người Áo Sigmund Freud từng đưa ra giả thuyết rằng con người tôn sùng bàn chân vì chúng có hình dáng giống như bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, nhà thần kinh học Vilanayar Ramachandran, Giám đốc Trung tâm não và nhận thức thuộc Đại học California, đã đưa ra một lý thuyết khác dựa trên những nghiên cứu khoa học vững chắc hơn thuyết của Freud. Ông Ramachandran tuyên bố đã khám phá được bí mật đằng sau chứng si mê bàn chân phụ nữ trong khi nghiên cứu những trục trặc của não dẫn đến hội chứng ảo tưởng về bàn chân. Đây là tình trạng chỉ những người tàn tật cảm thấy dường như đôi chân bị mất của họ vẫn còn dính trên thân thể, và họ vẫn có thể cử động chúng. Chuyên gia trên phát hiện hội chứng xảy ra khi “bản đồ hình ảnh cơ thể” của một người không xóa được phần từng tương tác với chi đã bị mất. Bản đồ hình ảnh cơ thể chính là bản đồ do não phác họa ra, theo đó các phần khác nhau của cơ thể liên kết và kiểm soát bởi những trung khu thần kinh của não.
Trong trường hợp một số bệnh nhân bị ảo tưởng về chân, ông Ramachandran thấy rằng não của họ không những chẳng xóa được hình ảnh của đôi chân đã mất, mà còn ngẫu nhiên cảm thấy chân cẳng trở nên vô cùng hấp dẫn. Những bệnh nhân bị ảo tưởng về đôi chân cảm thấy thôi thúc phải được mơn trớn và vuốt ve phần cơ thể đã mất.
Trước khi Ramachandran bắt đầu cuộc nghiên cứu về hội chứng ảo tưởng về chân cẳng, các báo cáo trước đó đã từng ghi nhận rằng khu vực não bộ liên kết với cơ quan sinh dục và đôi chân nằm sát cạnh nhau. Tuy nhiên, chưa ai ngoài ông Ramachandran kết nối những sự kiện này để cho ra kết quả rằng người tôn sùng đôi chân là do gặp vấn đề trục trặc ở não bộ, khiến hai khu vực kiểm soát đôi chân và cơ quan sinh dục ngoài chồng lấn lên nhau.
Theo Danong
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]