Ăn nhau thai để bồi bổ sức khỏe
Đã nhiều tháng nay chị Thương Huyền 28 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội bị suy nhược cơ thể, người lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi rã rời. Chị đã đến trung tâm y tế phường để truyền dịch nhiều lần nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn, mỗi lần truyền chị khỏe hơn được vài ngày chứ không khỏe hẳn.
Ăn nhau thai không bổ như nhiều người vẫn nghĩ. Ảnh minh họa
Nghe nhiều người đồn đại rằng ăn nhau thai bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh thông thường như mệt mỏi, suy nhược cơ thể…, mẹ chị Huyền đã mua nhau thai khô tại tiệm thuốc bắc gần nhà để hầm cho con gái. Sau một thời gian ăn nhau thai, chị Huyền không những không thấy khỏe ra mà thậm chí còn có những biểu hiện bất thường về sức khỏe. Chị thường xuyên bị cảm cúm, khi đi khám bác sĩ cho biết chị bị nhiễm một loại virus cúm và phải điều trị lâu dài bằng thuốc đặc trị.
Chị Minh Phương ở Hưng Yên lại phải suốt đời sống chung với virus viêm gan B chỉ vì ăn nhau thai nhằm bồi bổ sức khỏe. Hiếm muộn, lấy chồng gần hai năm chị mới “có tin vui” nhưng khi thai được 22 tuần thì không may chị bị sẩy thai. Sau lần đó, tinh thần chị sa sút trầm trọng vì mất con, sức khỏe của chị yếu đi trông thấy. Xin nghỉ việc 3 tháng để ở nhà nghỉ ngơi, bồi bổ nhưng tới gần 1 năm sau mà chị vẫn không khỏe lên là mấy.
Một người bạn hay tin chị ốm yếu, suy nhược đã tư vấn chị ăn nhau thai tươi lấy lại sức. Nhờ người quen làm ở phòng khám sản mà chị cũng có được mấy nhau thai để ăn. Tuy nhiên, trong một lần đi khám sức khỏe, bác sĩ kết luận chị nhiễm viêm gan B, men gan cao gấp mầy lần so với bình thường và cần điều trị hạ men gan nhanh chóng.
Nhau thai có phải thần dược?
Khi đời sống kinh tế khá lên, con người luôn tìm mọi cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Mấy năm gần đây, nhau thai được đồn thổi có công dụng thần kỳ nên không ít người đua nhau mua về dùng. Tuy nhiên, thực tế nhau thai không có công dụng tốt như mong muốn, thậm chí nó còn mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm cho người sử dụng.
Lương y Nguyễn Xuân Hướng, Hội Đông y Việt Nam cho biết: Nhau thai là bộ phận trong tử cung của người mẹ, phần phụ của thai, có nhiệm vụ bảo vệ và nuôi dưỡng bào thai. Theo y học cổ truyền thì nhau thai vị ngọt mặn, tính ấm, có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh, thường dùng để chữa các chứng bệnh suy nhược, gầy yếu, đau nhức trong xương, hen suyễn, ho ra máu, ra mồ hôi trộm, di tinh, liệt dương, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa sau khi sinh nở...
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chứng minh được điều này và nhau thai cũng chỉ bổ dưỡng như thịt gà, thịt bò… Thậm chí, nhau thai nếu không được xử lý đúng cách thì người dùng còn dễ bị nhiễm khuẩn, lây bệnh di truyền, đặc biệt là nhiễm virus viêm gan B, C, nhiễm khuẩn. Việc sử dụng nhau thai khó có thể đảm bảo độ an toàn cho tính mạng người sử dụng, nhất là nhau thai không rõ nguồn gốc. Tại các bệnh viện phụ sản, nhau thai được phân loại như một chất thải y tế để đưa đi tiêu hủy.
Bằng mắt thường có thể nhận thấy những nhau thai an toàn phải có màu hồng, sáng, không xây xát, còn nguyên bọc, ối của người mẹ sạch, không đục, người mẹ không có những tiền sử bệnh án trước khi sinh thì thường sẽ có nhau thai an toàn.
Nếu dùng nhau thai không được an toàn làm thuốc sẽ rất nguy cho sức khỏe. Trong khi đó, thực chất nhau thai không có công dụng như lời đổn và hiện nay, đã có niều vị thuốc thay thế nên nhau thai ít được sử dụng làm vị thuốc hơn.
Lương y Hướng cho rằng, nhau thai không an toàn không chỉ không giúp cải thiện sức khỏe mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người dùng và người chế biến. Ngoài các bệnh truyền nhiễm thì người ăn nhau thai còn có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh khác như gây đột biến, ung thư, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm vi trùng, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…
Theo - ttvn.v
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]