Tỷ lệ mắc ung thư khác nhau theo giới tính
Hiện nay, ung thư đang là căn bệnh nguy hiểm và khiến rất nhiều người “khiếp sợ” khi mắc phải. Điều lo sợ của người dân là hoàn toàn có cơ sở, khi đa số những người phát hiện bệnh ung thư đã ở giai đoạn muộn, bởi vậy từ khi phát hiện bệnh cho đến khi tử vong thường diễn ra nhanh chóng, chính vì lý do đó nhiều người cho rằng, mắc ung thư là coi như mang “án tử hình”.
Không chỉ có vậy, một lý do nữa cũng khiến nhiều người “hoảng sợ” khi bị bệnh ung thư điểm trúng đầu. Đó chính là sự đau đớn về thể xác, sự đau đớn đó có thể xảy ra cho bệnh tật, hoặc cũng có thể xảy ra do quá trình điều trị với những loại hóa chất đi vào cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư.
Bệnh ung thư sẽ được chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm
Ngoài ra, chi phí để điều trị căn bệnh ung thư cũng là một gánh nặng rất lớn đối với không ít bệnh nhân. Bởi, ngoài những khoản đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhiều loại thuốc, hóa chất điều trị ung thư đắt tiền không được bảo hiểm chi trả hoặc chỉ chi trả một phần.
Hiện nay, theo các nhà khoa học để thống kê chính xác nhất căn bệnh ung thư nào đang có tỷ lệ mắc cũng như tử vong cao nhất cũng không hề đơn giản. Bởi, thống kê đó chỉ mang tính chất tương đối từ những bệnh nhân đã đến viện điều trị. Còn thực tế, nhiều người tử vong do căn bệnh này tại nhà rất khó để đo đếm.
Theo số liệu mà GS Nguyễn Chấn Hùng- Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam đưa ra, các loại ung thư nhiều người mắc nhất cũng chia ra theo giới tính chứ không hề giống nhau.
Theo đó, ở nam giới 5 căn bệnh ung thư nhiều người mắc nhất đó chính là ung thư phổi 34,2 người mắc/100.000 dân, sau đó là ung thư tuyến tiền liệt (30,7), ung thư đại trực tràng (20,6), ung thư dạ dày (17,4), ung thư gan (15,3).
Còn ở nữ giới đứng đầu là ung thư vú (43,1), sau đó lần lượt là ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày.
Cũng theo thống kê của GS Hùng, nếu tính chung cả hai giới thì 5 căn bệnh ung thư có tỉ lệ người mắc nhiều nhất đó là: ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày.
Cũng theo GS Hùng, tuy tỉ lệ mắc là vậy, nhưng tỉ lệ tử vong do các căn bệnh ung thư lại có tỉ lệ khác, theo đó căn bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất đó chính là ung thư phổi ( 19,4%), ung thư gan (9,1%), ung thư dạ dày (8,8%), ung thư đại trực tràng (8,5%), ung thư vú (6,4).
Hãy khám sức khỏe để được sống thêm
Nói về nguyên nhân gây nên bệnh cũng như tỉ lệ tử vong, GS Hùng cho biết, có đến 1/3 số ca tử vong do ung thư là do khói thuốc là. Ngoài ra, thêm 1/3 số ca tử vong ung thư nữa là do các nguy cơ trong nếp sống và dinh dưỡng (ăn không lành, tăng trọng và béo phì, lười vận động thân thể). Một số bệnh nhiễm virus HBV, HCV, HPV…) gây khoảng 20% tử vong ung thư ở các nước đang phát triển.
Rất nhiều người đến viện điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Vậy làm sao để vừa hạn chế được tỉ lệ mắc và kiểm soát được tỉ lệ tử vong do ung thư? Đó là câu hỏi khiến không ít người đặt ra. Đặt câu hỏi về việc bỏ thuốc lá sẽ kiểm soát được phần lớn các ca mắc mới do ung thư phổi và một số loại ung thư liên quan khác, điều đó là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, trong số 1/3 ca mắc còn lại là liên quan đến lối sống và dinh dưỡng. Đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đây là vấn đề rất đau đầu, bởi theo như thống kê hiện tại hầu hết các thực phẩm đều đã từng bị phát hiện “bê bối” trong đó nhiều nhất đó chính là thực phẩm bẩn, chứa chất gây ung thư…
Bởi vậy, để giải quyết vấn đề này, ngoài tăng cường sự quản lý của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần phải thông thái hơn thì vấn đề cốt lõi nhất đó chính là lương tâm của những kẻ “buôn bệnh ung thư”, liệu họ có chịu dừng những hành động đầu độc đó lại không? Hay vì lợi nhuận họ bất chấp tất cả!
Cuối cùng để khống chế được con số tử vong thì chính bản thân mỗi người cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ, nghĩa là hãy sống có trách nhiệm với bản thân mình hơn.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, bệnh ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, để phát hiện được bệnh thì điều cốt lõi chính là phải khám sức khỏe định kỳ.
“Nếu hàng năm, người dân ý thức được việc phải đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng một lần, mỗi lần khám mất khoảng 2- 3 triệu, thì chắc chắn rằng những mầm mống ung thư sẽ được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, người dân thay vì tiếc 5-6 triệu đồng/năm, chỉ khi thấy đau đớn mới đi khám và khi phát hiện bệnh thì có nhiều người phải bán cả nhà, cả trâu để chữa bệnh…nhưng cuối cùng vẫn phải “bỏ mạng” vì ung thư. So sánh như vậy để thấy được rằng, ý thức tự bảo vệ mình trước bệnh tật của người dân Việt Nam đang ở mức nào”, một chuyên gia chia sẻ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]