Mặc đủ ấm trong thời tiết giá lạnh là cách giúp người cao tuổi đề phòng tai biến.
Điều này hết sức nguy hiểm bởi lưu lượng máu qua não ở người già đã giảm rất thấp, khả năng dự trữ chức năng không còn nhiều, nên rất khó thích nghi với những thay đổi thất thường của thời tiết. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến chứng tai biến mạch máu não (đột quỵ), chứng bệnh mà dân gian vẫn gọi là “trúng gió”.
Hiểm nguy rình rập
Sự thay đổi thời tiết thất thường tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ cho con người, nhất là đối với người già. Tuy nhiên theo bác sĩ Lực, chúng ta có thể chủ động phòng tránh bệnh bằng cách: Tập thể dục thể thao điều độ. Không tập thể dục khi trời còn quá sớm. Không hút thuốc và tránh hít phải khỏi thuốc thụ động. Ăn uống lành mạnh, giảm ăn các đồ có nhiều chất béo, cholesterol và muối. Thức dậy lúc sáng sớm, không nên bật dậy ra khỏi giường ngay. Khi có những dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, tê bì các chi, khó khăn trong khi nói hoặc hiểu người khác; liệt nửa người, liệt tay chân…, phải ngay lập tức tiến hành cấp cứu kịp thời để tránh biến chứng đáng tiếc.Thường xuyên kiểm tra sức khỏe và sử dụng thuốc theo đúng yêu cầu của bác sĩ.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị về đột quỵ não khu vực châu Á Thái Bình Dương 2014 thì cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới lại có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút thì có một người tử vong do bệnh này. Tai biến mạch máu não là nguyên nhân gây tử vong thứ ba sau sau tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về mức độ tàn tật… Mỗi năm, trên thế giới có 5 triệu người bị tai biến mạch máu não. Con số này ở Việt Nam là 200.000 người. Cũng theo các bác sĩ tim mạch, số bệnh nhân bị đột quỵ não nhập viện vào mùa lạnh tăng từ 15-30% so với bình thường. Theo thống kê ở các bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng từ 15 -30%. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do sự co giãn mạch quá mức khi thời tiết đột ngột thay đổi có thể gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.
Đột quỵ là bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị ngừng trệ. Đột quỵ xảy ra do một mạch máu trong não bị tắc hoặc vỡ một mạch máu trong não, máu chảy ra đè ép lên tổ chức não gây liệt và hôn mê cho người bệnh. Đột quỵ là bệnh thần kinh phổ biến nhất hiện nay và thường tăng cao khi có sự chênh lệch nhiệt độ cao, thay đổi đột ngột. Bệnh có thể gặp ở cả người bệnh cũng như người khỏe mạnh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng thường gặp nhất là ở người cao tuổi. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Nhân Dân 115 và Viện Nghiên cứu y - dược học lâm sàng 108, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ bị đột quỵ càng lớn, từ 50 tuổi trở lên chiếm 83,03% ca đột quỵ. Đột quỵ chảy máu não thường gặp ở nhóm tuổi 50-69, còn đột quỵ nhồi máu não thường gặp ở nhóm tuổi 60-79. Đột quỵ gặp ở nam giới nhiều hơn nữ.
Ở người cao tuổi, hệ tim mạch giảm đàn hồi, thường xuyên xảy ra xơ cứng mạch máu và hay bị tăng huyết áp. Những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng hoặc từ nóng sang lạnh, cơ thể người già không kịp thích nghi với mức nhiệt mới sẽ dễ bị đột quỵ nhất. Những người cao tuổi có tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, nghiện rượu, ung thư… có nguy cơ đột quỵ cao hơn so với bình thường. Khi bị đột quỵ, người bệnh có cảm giác choáng váng, giảm ý thức, bị liệt một phần cơ thể. Trong các trường hợp nặng có thể ngã quỵ đột ngột và bất tỉnh. Những biểu hiện lâm sàng của đột quỵ do tắc mạch hoặc do vỡ mạch khó có thể phân biệt, để chẩn đoán nguyên nhân phải dựa vào các yếu tố cơ địa của bệnh nhân, các bệnh có sẵn…. Tuy nhiên các triệu chứng đều xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh (trong vài giờ hoặc vài ngày). Các biểu hiện thường thấy khi bị đột quỵ đó là: đột ngột thấy ê cứng ở mặt, tê tay, chân hoặc nửa người, nhìn không rõ, không cử động được chân tay, đau đầu dữ dội, không nói được, ngất hoặc hôn mê… Ở phụ nữ có thể bị đột ngột đau ở mặt hoặc chân, bị nấc, buồn nôn, mệt mỏi, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường. Các dấu hiệu trên có thể chỉ thoáng qua, kéo dài trong vài phút rồi người bệnh lại trở lại bình thường. Hiện tượng này được gọi là cơn thiếu máu não thoảng qua. Đây là những dấu hiệu báo trước cực kỳ quan trọng của đột quỵ và người bệnh cần được nhập viện ngay.
Đột quỵ có thể được gây nên từ một trong hai nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là do tắc mạch máu não: Trong mạch máu hình thành các mảng xơ vữa do lipit trong máu tăng cao. Mảng xơ vữa đó phát triển đến 1 thời điểm nào đó sẽ vỡ ra và làm tắc mạch lại mạch máu. Hoặc cũng có thể có cục máu, hình thành trong tim do tim đập không đều, cục máu đó theo đường máu đi lên não, gây tắc mạch máu trong não. Nhóm thứ hai là do chảy máu: Một mạch máu, vì lý do gì đó mà bị xơ, rạn, dưới áp lực nào đó tăng ở trong não, nó vỡ ra và gây hiện tượng chảy máu não. Bác sĩ Trần Viết Lực – Phó trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết: “Sự hình thành xơ vữa lâu hay nhanh tùy thuộc vào cơ địa cũng như nồng độ lipit trong máu của từng người. Những người bị rối loạn chuyển hóa trầm trọng thì mảng xơ vữa sẽ hình thành nhanh hơn. Những người có nhiều bệnh như đái tháo đường, béo phì… thì quá trình chuyển hóa cũng sẽ diễn ra nhanh hơn. Vì thế, đột quỵ chỉ chịu tác động của môi trường bên trong cớ thể chứ không phải môi trường bên ngoài. Theo một số quan niệm trong dân gian thì tai biến xảy ra do bị “trúng gió” nhưng trên thực tế, nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột làm cho những rối loạn đột ngột tăng (ví dụ như tăng huyết áp đột ngột) dẫn đến tai biến.”.
Người bị đột quỵ không được sơ cứu đúng cách sẽ gặp nhiều biến chứng.
Phương pháp xử lý khi người thân bị đột quỵ
Khi máu không đến được não, các tế bào sẽ không hoạt động, dần hoại tử và chết đi. Do đó, nếu các cơn đột quỵ không được nhận biết và điều trị kịp thời sẽ gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong đột ngột. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm xuống còn 10%, nhưng di chứng để lại thì không thể điều trị hết. Chỉ có 10% số bệnh nhân đột quỵ không có di chứng, số còn lại, biểu hiện của di chứng thể hiện sớm hay muộn phụ thuộc vào mức độ tai biến nặng hay nhẹ. Với những người tai biến nặng, di chứng xuất hiện ngay sau đột quỵ, còn người bị tai biến nhẹ có thể 5 năm, 10 năm sau di chứng mới biểu hiện ra bên ngoài. Các di chứng hay mắc phải: rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, liệt….
Theo bác sĩ Lực, khi bệnh nhân bị đột quỵ, người nhà cần thực hiện các thao tác: Để người bệnh nằm im, mặt nghiêng 1 bên cho đỡ sặc, không cho ăn uống, và gọi ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn xử trí trong lúc chờ đợi và đưa tới cơ sở y tế kịp thời. Đột quỵ do tắc mạch máu và do vỡ mạch máu có nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị hoàn toàn khác nhau. Vì thế, khi chưa xác định được nguyên nhân gây đột quỵ thì không nên tự ý điều trị tránh nguy hiểm cho người bệnh. Không tự ý sơ cứu, chỉ hô hấp nhân tạo khi bệnh nhân có biểu hiện ngừng thở. Nói chuyện với người bệnh giúp họ bình tĩnh, thở chậm lại để máu đi lên não nhiều hơn. “Hiện nay, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều gia đình tích sẵn thuốc đột quỵ trong nhà. Khi bệnh nhân bị ngất hoặc bị đột quỵ, ý thức chưa mất hẳn, người nhà vội vàng tìm mọi cách đưa thuốc vào miệng bệnh nhân để chữa trị tạm thời. Tuy nhiên, việc làm này rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị sặc và có thể dẫn đến tử vong. Hoặc với một số thể tai biến, khi tai biến, huyết áp tăng lên. Với những người bị bệnh tăng huyết áp (có thuốc huyết áp trong nhà), người thân thấy huyết áp lên cao cứ nghĩ lại bị tăng huyết áp, cho bệnh nhân uống thuốc hạ áp khiến huyết áp của bệnh nhân giảm đột ngột. Điều này làm cho bệnh nhân đang từ trạng thái lơ mơ chuyển sang hôn mê sâu và tử vong. Trong một số trường hợp huyết áp tăng có thể bảo vệ não, cần duy trì mức huyết áp đó, nếu cho uống thuốc hạ áp có thể gây hại cho bệnh nhân. Đây là những nhầm lẫn rất dễ mắc phải do thiếu kiến thức chuyên môn của người dân dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho người thân. Vì thế cần tìm sự trợ giúp của nhân viên y tế, chuyên gia tim mạch trước khi quyết định tự sơ cứu cho người thân”, bác sĩ Lực cho biết.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]