Cây gai còn có tên trữ ma, gai tuyết…, thường mọc nơi ẩm ướt, có tên khoa học là Boehmeria nivea- họ gai (Urticaceae). Cây gai có thể cao tới 1,5m- 2m, gốc hóa gỗ.
Lá mọc so le, có cuống, mép khía răng, mặt dưới có lông trắng bạc. Hoa đực và hoa cái tụ tập thành bông kép, ở kẽ lá. Quả bế có đài tồn tại. Người dân thường hái lá làm bánh gai, vỏ lấy sợi và rễ củ làm thuốc được thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, đông bằng cách thái lát, phơi hoặc sấy khô
Theo Đông y, cây gai có vị ngọt đắng, tính mát, đi vào hai kinh tâm, thận; thường dùng để trị các bệnh đường tiểu như: Bí tiểu, tiểu đục, tiểu ra máu, còn dùng để cầm máu và trị động thai.
Rễ được gọi là trữ ma căn, hái vào bất cứ mùa nào, nhưng tốt nhất là vào thu đông. Hái về rửa sạch đất phơi hay sấy khô.
Rễ có vị đắng, tính hơi hàn, quy kinh tâm, thận. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, thông lâm, an thai. Dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái rắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10 - 20g.
Sau đây là một số tác dụng của cây gai:
- Chữa ho hen, đờm suyễn: Rễ gai 20g và đường cát nấu nhừ, ăn ngày 4 - 5 lần. Ăn liên tục 5 - 7 ngày.
- Chữa phụ nữ có thai ra huyết dọa sảy, có thai bị đau bụng: Rễ gai tươi 4 phần, tía tô 1 phần, lá ngải cứu 1 phần (mỗi phần 12g), sắc với nước uống trong ngày.
- Chữa lợi tiểu: Rễ và lá trung bình 10 - 30g sắc với nước uống.
- Chữa sa tử cung: Rễ gai khô 30g sắc với 600ml nước, uống nhiều lần trong ngày. Uống liền 3 - 4 ngày.
- Chữa tiểu buốt, tiểu rắt, sạn thận: Rễ gai, hoa mã đề và hành; sắc nước uống.
- Chữa đại, tiểu tiện ra máu: Lấy 15 - 20g lá gai sắc nước uống trong ngày.
- Chữa phong thấp đau nhức các khớp: Rễ cây tầm gai (trữ ma căn), 50g, ngâm với 1 lít rượu 1 tuần. Sau đó, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml.
- Chữa động thai: Rễ gai mới lấy hoặc đã phơi khô 30g, sắc với 600ml nước, còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Chỉ uống 1 - 2 ngày sẽ đỡ.
- Chữa tiểu ra máu do viêm đường tiết niệu (thể nhẹ): 10g rễ gai đập dập hòa với 500ml nước, vắt lấy 400ml nước rồi đem cô lại còn 200ml, uống lúc chiều tối trong ngày. Uống 5 - 7 ngày.
-- Chữa bí tiểu: Dùng rễ gai 2 nắm tay, đập nát. Nước 500ml, sắc còn 200ml uống hai lần trong ngày. Hoặc dùng rễ gai và lá bánh tẻ 10 - 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Uống từ 5 - 7 ngày.
- Chữa tay chân tê mỏi: Rễ cây gai 15 - 20g, sắc uống.
- Chữa vết thương ra máu: Lá gai tươi rửa sạch, giã nát đắp vào vết thương, băng lại.
- Chữa mụn nhọt (mới sưng): Giã rễ gai đắp, hai ngày thì thay. Có thể kết hợp lấy 12 - 20g rễ gai sắc uống, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa mụn nhọt bớt mưng mủ, giảm sưng đau: Rễ gai và rễ vông vang (2 thứ bằng nhau) giã nát đắp lên mụn nhọt. Đắp 1 - 2 ngày.
- Chữa tiểu nước trắng đục như nước vo gạo: Rễ gai 30g, rau dừa nước và thổ phục linh (mỗi thứ 20g), đinh lăng, trinh nữ và thương nhĩ tử (mỗi thứ 16g). Nấu với 1.000ml nước, cô lại còn 1/4 (250ml), chia 2 lần uống trong ngày.
- Chữa người nóng, nhiệt, tiểu tiện đỏ gắt: Rễ gai 20g, lá cây cối xay 20g, nhân trần 15g, cát căn 10g. Tất cả cho vào 400ml nước, đun sôi 15 phút, dùng uống thay nước trà trong ngày. Uống liên tục 7-10 ngày.
Theo Nongnghiep.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]