Nấm ma có hình dáng khá giống một số loại nấm ăn được.
Liên tiếp các vụ ngộ độc nấm ma
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu đã có báo cáo về vụ ngộ độc nấm vừa xảy ra. Theo đó, vào ngày 29/11/2014 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do ăn nấm rừng tại hai hộ gia đình ở bản Phan - Xi - Hoa, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã cử đoàn công tác phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Trạm Y tế xã và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng tiến hành cấp cứu, cứu chữa cho bệnh nhân, tổ chức điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm.
Đơn vị này cho biết, các bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Tổng số 10 bệnh nhân người Mông, tuổi từ 2 - 48 tuổi phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, nôn ra thức ăn kèm theo đau tức bụng, không đi ngoài, không hoa mắt, không chóng mặt. Tiền sử bệnh đều liên quan đến bữa ăn chung của gia đình tối ngày 29/11/2014 với món canh nấm rừng. Các bệnh nhân được xét nghiệm chẩn đoán ngộ độc do nấm độc, điều trị tích cực bằng các biện pháp như cho uống than hoạt tính, truyền dịch hồi sức, dùng thuốc để bảo vệ chức năng gan, giải độc cơ thể. Đến 8h ngày 1/12/2014, sức khỏe của 10 bệnh nhân ổn định, các kết quả xét nghiệm trở về bình thường và đang chờ xuất viện.
Các bác sỹ xác định, thức ăn chứa tác nhân gây ngộ độc thực phẩm là nấm rừng do hai bố con ông Giàng A Cha và Giàng A Lứ hái được (khoảng 2kg nấm rừng) và đem về nhà chia cho hai gia đình để chế biến thành canh nấm ăn vào bữa cơm tối (khoảng 18h) cho 14 người cùng ăn. Sau khi ăn khoảng 1 – 1 giờ 30 phút, tất cả 14 người đều có biểu hiện buồn nôn, nôn ra thức ăn kèm theo đau tức bụng. 10 người có biểu hiện nặng đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu để điều trị; 4 người sau khi nôn ra thức ăn trở lại bình thường nên điều trị ở nhà.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu và Trung tâm Y tế huyện Tam Đường đã lấy được mẫu nấm gửi về Trung tâm Chống độc Học viện Quân y xác định loài nấm gây ngộ độc và độc tính. Kết quả nhận dạng bước đầu tại thực địa cho thấy, thủ phạm gây ra vụ ngộ độc này nghi ngờ là loài nấm ma (Omphalotus nidiformis) với độc tố là illudin, gây co thắt, kích thích đường tiêu hóa (không gây tiêu chảy).
Tháng 11/2014 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc mà nguyên nhân được xác định là từ nấm ma. Vụ ngộ độc này xảy ra tại bản Si Cha Chải, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ khiến 19 người nhập viện. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn Lai Châu xảy ra 5 vụ ngộ độc nấm ma.
Nhận diện nấm ma
Các vụ ngộ độc nấm ma không chỉ xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu mà còn được ghi nhận ở một số các tỉnh miền núi phía Bắc. Do nấm có hình dáng, màu sắc khá giống với nấm ăn nên nhiều người đã bị nhầm lẫn. Thông thường, dân gian chỉ truyền tai nhau các loại nấm có màu sắc sặc sỡ thường gây độc nên ít người nghĩ loại nấm này có chứa độc tố.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng như các địa phương đã nhiều lần cảnh báo về ngộ độc nấm ma nhưng các vụ ngộ độc vẫn xảy ra. Nạn nhân thường là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc điểm nhận dạng nấm ma cho thấy, mũ nấm có hình phễu hoặc hình quạt, màu kem hoặc xám hoặc hơi vàng, giữa mũ nấm có màu từ vàng nhạt đến xám hoặc nâu, đường kính 5 - 15cm (màu nấm phụ thuộc nấm mọc trên cây gỗ mục nào). Mép mũ nấm thường cuốn xuống. Phiến nấm có màu trắng đến hơi vàng. Cuống nấm thường đính lệch vào mũ nấm và thịt nấm có màu trắng. Nấm thường mọc thành cụm trên gỗ mục hoặc trên mặt đất có gỗ, lá mục. Loài nấm này phát sáng vào ban đêm sau cơn mưa hoặc khi trời ẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, độc tố của nấm ma là illudin - chất phát quang hay còn gọi là chất lân tinh (phát sáng trong bóng tối). Đây là loài nấm gây rối loạn tiêu hóa và không gây chết người. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện sau ăn nấm khoảng 30 phút – 3 giờ (tùy theo số lượng nấm đã ăn và lượng thức ăn kèm theo) với biểu hiện: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng (gây co thắt, kích thích đường tiêu hóa). Điểm đặc biệt của loài nấm này là thường không gây tiêu chảy cho người bị ngộ độc.
Khi phát hiện người nhiễm độc do sử dụng nấm ma cần gây nôn, rửa dạ dày (tại tuyến y tế cơ sở hoặc ở tuyến bệnh viện nếu bệnh nhân đến sớm). Cho uống than hoạt (1g/kg thể trọng) kèm 4 gói sorbitol (5g/gói); truyền dịch hoặc uống oresol; điều trị triệu chứng. Thông thường bệnh nhân sẽ khỏi trong vòng 3 – 5 ngày.
Đặc điểm nhận dạng nấm ma
Mũ nấm có hình phễu hoặc hình quạt, màu kem hoặc xám hoặc hơi vàng, giữa mũ nấm có màu từ vàng nhạt đến xám hoặc nâu, đường kính 5 - 15cm (màu nấm phụ thuộc nấm mọc trên cây gỗ mục nào). Mép mũ nấm thường cuốn xuống.
Phiến nấm có màu trắng đến hơi vàng.
Cuống nấm thường đính lệch vào mũ nấm, thịt nấm có màu trắng.
Nấm ma thường mọc thành cụm trên gỗ mục hoặc trên mặt đất có gỗ, lá mục.
Loài nấm này phát sáng vào ban đêm sau cơn mưa hoặc khi trời ẩm.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]