Thay vào đó, xứ cảng thơm mang một vẻ đẹp thời thượng nhưng cũng không kém phần cổ điển, thâm trầm đậm chất truyền thống.
Nhộn nhịp và trầm lắng
Đúng như mệnh danh “thành phố không ngủ”, ở Hong Kong dù kim đồng hồ có chuyển qua 12h đêm, tại những khu phố trung tâm ở Mongkok, Tsim Sha Tsui, Causeway Bay, tôi vẫn thấy các cửa hiệu sáng đèn, người qua lại tấp nập, đặc biệt là vào những buổi tối cuối tuần. Hay khu phố Lan Kwai Fong nổi tiếng cũng chỉ trở nên đặc biệt rộn ràng từ sau 9 giờ tối.
Cái sôi động của Hong Kong không phải gợi nên từ tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người nói chuyện rộn rã mà đến từ chính từ bầu không khí tấp nập trên từng góc nhỏ, tiếng leng keng mỗi khi đèn báo hiệu sang đường bật sáng, hay tiếng bước chân rộn rã của những người xung quanh. Vào mỗi tối cuối tuần, rất nhiều ban nhạc nghiệp dư đứng biểu diễn trên đường phố. Những nghệ sĩ trung niên tự tạo sân khấu đơn giản của mình chỉ với micro, loa thùng và một cây đàn guitar, họ thoải mái hát từ nhạc hiện đại đến những ca khúc của Hong Kong một thời xưa cũ. Giới trẻ đi xa hơn, họ thường đứng trên những cây cầu đi bộ để chơi nhạc, từ hiphop, beatbox đến jazz… một cách tự nhiên giữa bao người qua lại.
Cũng chính vì lẽ “thức khuya” cho một đời sống về đêm rộn rã như vậy nên Hong Kong vào buổi sáng là một đô thị mơ màng và “dậy” muộn. Bước xuống phố lúc 7 giờ sáng, khi nắng đã trải dọc các con đường ở khu Mongkok, nơi đêm qua nhộn nhịp là thế đã trở thành con phố vắng bóng người, các cửa hàng vẫn đóng kín cửa, thấp thoáng chỉ có một vài cụ già kê ghế ngồi nghỉ ngơi, ngắm trời giữa con đường vắng.
Rời xa đô thị hiện đại, tìm đến những xa xôi của Hong Kong như Stanley Bay hay làng chài Tai O, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra sự trầm lắng, nét đẹp truyền thống không thể xóa mờ của xứ cảng thơm. Bỏ đi những vạch sang đường leng keng, tiếng động cơ ôtô rầm rầm, trả lại cho Hong Kong là một bầu không khí dịu dàng, tĩnh lặng. Nếu Stanley Bay thể hiện sự tĩnh mịch, kiêu sa của khu nhà giàu với những chung cư cao cấp hay những ngôi nhà vườn xinh đẹp thì làng chài Tai O lại mang vẻ trầm tư, giản dị trên từng nếp nhà vươn ra bờ biển.
Nắng nhuộm từng góc phố
Trong suốt những ngày khám phá hòn ngọc của châu Á, chúng tôi thường tự hỏi nhau rằng “phải chăng người quy hoạch Hong Kong là một họa sĩ, nên mỗi góc phố mới có những sắc màu xinh đẹp đến thế?”. Thậm chí cả những ga tàu điện ngầm cũng được tô vẽ với vô vàn màu sắc khác nhau, mỗi ga mang một màu đặc trưng riêng không thể lẫn lộn.
Được cho là nơi gặp nhau của hai nền văn hóa Đông – Tây, rất dễ bắt gặp trên các con đường khắp Hong Kong hình ảnh tương phản giữa những cửa hiệu bán thuốc Đông y, quán ăn nhỏ bán bánh bao, cháo quẩy, nằm ngay bên cạnh những trung tâm thương mại sang trọng, các cửa hàng đồ điện tử và hàng loạt cửa hàng đồ ăn nhanh của McDonald, KFC… Giữa các tòa nhà, thỉnh thoảng bạn sẽ bất chợt gặp những khoảnh sân nhỏ với bóng râm và hoa lá, chúng tôi gọi đó là “những góc hạnh phúc của Hong Kong”. Là một trong những đô thị có mật độ dân cư đông nhất trên thế giới, việc dành ra một góc riêng để làm sân chơi chung chắc không dễ chút nào. Những góc nhỏ không chỉ là nơi trẻ con vui chơi, mà đôi khi nhân viên văn phòng trong những cao ốc gần đó cũng đến nghỉ ngơi và tìm cho mình một góc tĩnh lặng để thư giãn.
Nếu chỉ nhìn những cửa hiệu vươn ra mặt đường để đánh giá sự nhộn nhịp và xinh đẹp của Hồng Kông thì đó chắc chắn là một thiếu sót. Khi dạo quanh Tsim Sha Tsui, tôi đã rất choáng ngợp khi một lần thử bước qua cánh cửa nhà giản dị, mò mẫm trên lối cầu thang nhỏ hẹp, và rồi đích đến cho cuộc khám phá là cả một thế giới phong phú với biết bao hiệu sách, phòng tập gym, shop quần áo… ở những tầng trên. Tất cả dường như bị che lấp đi bởi vô vàn biển hiệu ở bên dưới.
Gương mặt lạnh và trái tim ấm
Hong Kong tưởng chừng như kiêu kỳ và lạnh lùng lại chào đón tôi bằng những tình cảm chân thành nhất. Có thể nếu không bắt chuyện, những người Hong Kong trên phố chỉ lướt qua tôi một cách lạnh lùng, họ hối hả đi về những ga tàu điện ngầm, hối hả đến công sở, bận rộn với smartphone… Tuy nhiên, khi loay hoay không thể tìm được đường về nhà trọ và choáng ngợp trước cách đánh số nhà “không thể hiểu nổi” của Hong Kong, tôi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người đi đường thân thiện, sẵn sàng đứng giữa con đường nóng nực buổi chiều, tra Google map và chỉ đường cho tôi bằng tất cả những phương thức mà họ có thể, từ tiếng Anh, đến tiếng Trung, tiếng Quảng và thậm chí là ngôn ngữ cơ thể.
Một lần, khi đi ngang qua khu Soho, tò mò vì thấy người dân dựng một cái chòi rất to cùng với vô số đồ vàng mã bắt mắt, cô bạn tôi đã bước ra dè dặt hỏi xem họ đang làm gì. Và rồi, những người dân trong khu phố đã giải thích rất nhiệt tình về cách họ đang tổ chức một lễ hội Vu Lan truyền thống.
Trong suốt 8 ngày ở Hồng Kông, tôi chọn cho mình một nhà nghỉ theo kiểu homestay để ngả lưng mỗi tối. Tuy ở trong một căn phòng rất nhỏ nhưng với tôi, đó thực sự là một cơ may để có thể tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của những người dân lao động giữa Hồng Kông xa hoa và đông đúc. Bác chủ nhà của chúng tôi, một người đàn ông trung niên nhiệt tình tốt bụng, mặc dù sở hữu một dãy phòng trọ cho thuê theo kiểu Airbnb nhưng không hề giàu có. Hai vợ chồng bác sống trong một gian phòng nhỏ xíu trên tầng 9 của tòa nhà cũ kỹ. Các con của bác lại phải sống riêng trong một căn phòng chỉ rộng khoảng 5m2, không hề có cửa sổ, chỉ đủ kê một chiếc giường tầng, một chiếc bàn và một giá để bát.
Khi nhắc đến Hong Kong, người ta sẽ nghĩ ngay đến lối sống giàu sang, một đô thị hiện đại với những trung tâm thương mại mọc lên ở khắp nơi. Nhưng với tôi, Hong Kong đơn giản giống như một cô gái, nàng có vẻ ngoài thời thượng, thích sự sôi động nhưng sâu thẳm bên trong tâm hồn, nàng cũng có những khoảng lặng của riêng mình.
Thông tin thêm:
Hành trình: Vietnam Airlines có đường bay thẳng từ Hà Nội và TP.HCM đến sân bay quốc tế Hong Kong. Từ sân bay, bạn có thể vào trung tâm thành phố bằng xe buýt, tàu điện ngầm hoặc taxi.
Phương tiện di chuyển: Để di chuyển trong Hong Kong, bạn có thể mua thẻ Octopus tại sân bay. Tấm thẻ đa năng này có thể dùng để trả tiền vé tàu điện ngầm, vé xe buýt, mua hàng tại các trung tâm mua sắm. Khi hết tiền, bạn có thể nạp thêm để tiếp tục sử dụng. Xe taxi của Hong Kong tính tiền theo phút chứ không theo km, vì vậy bạn nên tránh đi taxi vào giờ tắc đường.
Những điểm tham quan không thể bỏ lỡ: Núi Thái Bình (The Peak), cảng Victoria, Đại lộ Ngôi Sao (hiện đang sửa chữa, nâng cấp), làng chài Tai O, các khu Soho, Wanchai…
Những hoạt động vui chơi thú vị: Tham quan Ocean Park, giải trí ở Disneyland; ngắm đảo Hong Kong bằng xe điện hai tầng; vui chơi tại Lan Kwai Fong, xem đua ngựa…
Những món ăn nên thử: Dimsum, cua sốt cay, cháo quẩy nóng, mỳ vằn thắn, bánh bao kim sa, xíu mại, các loại đồ xiên, trà uyên ương, trà sữa…
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]