Từ Amritsar (Ấn Độ) đến cửa khẩu Wagah chỉ mất khoảng nửa tiếng chạy xe nên hầu hết du khách sau một ngày tham quan ngôi đền Vàng nổi tiếng đều bắt xe đến đây. Các chuyến xe tiện lợi với đủ loại, các hãng du lịch cũng có tour dành cho khách du lịch đến cửa khẩu này. Từ vài năm nay, những buổi đổi gác buổi chiều của hai đất nước đã trở thành điểm du lịch hút khách. Ai cũng cảm thấy tò mò pha chút thích thú vì được đến sát biên giới Pakistan, một trong những quốc gia khó nhập cảnh nhất thế giới và chứng kiến buổi đổi gác đặc biệt có một không hai giữa hai quốc gia có nhiều xung đột về chính trị này.
Hơn 4h chiều, xe đỗ lại ngoài vạch biên giới. Nếu bạn có quá nhiều đồ mang theo nên để lại vì để vào trong phải qua trạm kiểm tra. Để đến nơi xem trình diễn phải mất một đoạn dài đi bộ với hai hàng nam riêng và nữ riêng. Khâu kiểm tra an ninh khá chặt chẽ khi tất cả mọi người đều phải qua phòng khám để kiểm tra túi và khám người rồi mới được đi tiếp vào bên trong. Khách nước ngoài phải trình hộ chiếu và được mời vào khu vực ngồi riêng biệt. Người dân địa phương được sắp xếp ngồi khu vực riêng.
Vị trí ngồi là những khán đài được dựng giống như khán đài trên sân bóng đá. Ổn định chỗ ngồi cũng là lúc tiếng hát ca cất lên. Hai cô gái trẻ được chọn để dẫn quốc kỳ đi một vòng, sau đó rất đông những người phụ nữ Ấn Độ đồng loạt đổ xuống đường hát và nhảy múa, trước khi nghi thức đổi gác bắt đầu. Phía bên kia, qua cánh cửa vẫn đang đóng kín, những người dân Pakistan cũng đã ngồi chật trên khán đài và hò reo không ngớt.
Nghi thức diễu hành đổi gác bắt đầu trong không khí vui vẻ. Thay vì mặc trang phục nghiêm chỉnh, mỗi bên đều trang bị những chiếc mũ đội đầu với màu sắc tựa những chiếc mào gà. Các bước đi cũng khác thường, rất nhanh, mạnh và giơ chân rất cao. Người xem còn chưa bắt kịp với bước đi, liền đó là những cú xoáy gót, đá chân cao qua đầu, vặn chân như những vũ công ballet khiến khách ngoại quốc không khỏi bật cười. Cả nam lẫn nữ quân nhân đều thực hiện những động tác như vậy. Phía bên Pakistan là những chiếc mào màu đen và bên Ấn Độ là màu đỏ sặc sỡ.
Giữa đường biên giới căng thẳng của hai đất nước đã trải qua nhiều cuộc xâm lược là sân khấu trình diễn đẹp mắt của những người lính. Vào các buổi chiều trong ngày là khoảng thời gian được người dân xung quanh khu vực biên giới chờ đợi nhất. Sau cuộc diễu binh của 2 nữ quân nhân là màn diễn của 5 nam quân nhân. Những chiến sĩ với gương mặt nghiêm trang bước những bước dứt khoát, tay vung cao và chân đá xoáy. Mỗi một cú đá đều khiến người xem hào hứng. Khi cánh cổng được mở ra và quân đội hai nước gặp nhau để trao lá cờ chuẩn bị hạ, nhiều người có cảm giác đang xem một trận chiến của những chú gà chọi, phô diễn sức mạnh để tỏ nhuệ khí với đối phương. Phía bên Pakistan cũng náo nhiệt không kém với tiếng cổ vũ và vỗ tay không ngớt. Để đáp lại, phía bên này Ấn Độ, những người dân cũng nhiệt tình cổ vũ cho những người lính đang diễn phía dưới.
Chỉ mở và kéo quốc kỳ nhưng các động tác và nghi thức cũng mất khoảng một tiếng đồng hồ thực hiện. Hai cánh cửa biên giới được kéo sang với hai chiếc quốc kỳ được kéo sát lại cùng những động tác phô diễn và tiếng hô vang dội của cả hai phía. Vào cuối chương trình là cảnh những người dân từ hai bờ biên giới cùng ùa xuống và giúp những người lính biên phòng đóng cửa khẩu trong tiếng vỗ tay của tất cả mọi người. Những lời bàn tán không ngớt cùng tiếng cười còn mãi, nhiều người còn ngoái lại trên đường ra về. Các vị khách nước ngoài vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng và nụ cười chưa tắt trên môi.
Mỗi ngày vào khoảng 5h chiều tại cửa khẩu biên giới Ấn Độ và Pakistan lại diễn ra buổi lễ kéo cờ và đóng cửa biên giới. Và mỗi ngày lại có hàng trăm khách du lịch tò mò đến xem buổi biểu diễn đặc biệt của chốt cửa khẩu kỳ lạ nhất thế giới tại Wagah.
Theo Vntravellive
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]