Không nên dùng toa thuốc cũ cho trẻ
Mẹ sử dụng lại toa thuốc cũ: Bé bị sốt, khò khòe và mẹ cho rằng con bị viêm họng, mẹ liền tự chữa cho con bằng cách cho con uống toa thuốc lần trước bác sĩ kê khi con có cùng triệu chứng. Việc này tuyệt đối không nên, do có nhiều thứ bệnh khác nhau cũng bắt đầu làm cho họng viêm đỏ. Nếu mẹ cho con uống thuốc như vậy, khi cần khám bệnh để điều trị cho cháu, bác sĩ sẽ gặp nhiều khó khǎn vì những triệu chứng ban đầu của bệnh chính đã bị thuốc làm biến mất rồi! Hơn nữa, mỗi lần con bệnh, cho dù cùng 1 thứ bệnh nhưng các bác sĩ cũng thay đổi loại thuốc để bé không lờn thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Thành ra, việc mẹ tự chữa cho con bằng đơn thuốc cũ vô tình gây nguy hiểm cho con.
Cho con uống đúng liều lượng
Cần cho trẻ dùng thuốc đúng liều lượng, đúng cách dùng đã được bác sĩ chỉ dẫn. Nếu trẻ không chịu uống thuốc hoặc uống không đủ liều lượng do bác sĩ chỉ định, cần phải báo cho bác sĩ để tìm cách điều trị khác. Vì uống không đủ liều, bệnh không khỏi. Mẹ cần hỏi rõ bác sĩ phải bổ sung đúng liều cho con như thế nào trong trường hợp bé nôn ói sau khi uống thuốc. Mẹ cũng cần hỏi thêm bác sĩ: loại thuốc nào có thể trộn lẫn khi uống, loại nào không được phép, hoặc thuốc này có thể pha cùng sữa của con hay không, bé nên uống trước hay sau khi ăn… Mẹ nên làm theo đúng cách dùng thuốc: uống làm bao nhiêu lần trong ngày? Mỗi lần cách nhau bao lâu?
Mẹ không nên tự ý tăng liều lượng thuốc, vì uống quá liều sẽ gây ngộ độc, tạo ra những phản ứng cơ thể như mẩn đỏ, phát ban, chướng bụng.
Làm gì khi con cự tuyệt uống thuốc?
Hãy giải thích cho con biết việc con phải uống thuốc là điều không thể tránh. Mẹ tuyệt đối không ép con uống thuốc theo kiểu cưỡng bức, vì thuốc có thể xuống theo đường hô hấp vào phổi gây hậu quả rất nguy hiểm. Thái độ của mẹ cũng nên cương quyết, dứt khoát. Nếu cần thiết, hãy thưởng cho bé nếu bé uống thuốc giỏi. Bé sẽ nhìn vào thái độ cương quyết hay lưỡng lự của người lớn để tùy cơ ứng xử: tuân phục hay phản kháng.
Cách cho con uống thuốc
- Nếu con còn nhỏ, mẹ pha thuốc vào nước và đút cho con, hoặc cho con tu bình (thuốc cho trẻ nhỏ thường có vị ngọt). Nếu thuốc viên, mẹ hãy tán thuốc ra thành bột rồi trộn với chút đường pha cho bé. Mẹ cũng có thể pha thuốc chung với sữa/súp cho con uống nhưng cách này không phát huy hết tác dụng của thuốc; hoặc sẽ khiến con sợ sữa/súp, không chịu bú/ăn nữa.
- Nếu trẻ lớn, hãy tập cho bé uống thuốc viên. Bé có thể uống thuốc viên từ sớm, có bé 2 tuổi, có bé 3 tuổi đã uống thuốc viên.
- Nếu thuốc có vị đắng, rất đắng, nên pha với mứt quả có vị chua hoặc mật, sôcôla, chuối nghiền. Nếu con nhè ra, mẹ cần coi xem con đã uống được bao nhiêu để cho con uống thêm mà không quá liều lượng.
- Nếu thuốc con nhộng, mẹ hãy để nguyên không nên lấy ra vì có thể loại thuốc này cần phải để lọt xuống dạ dày rồi mới để cho tan.
- Nếu thuốc dạng siro, cần xem rõ liều lượng và mẹ nân lắc đều tay trước khi cho con uống.
- Nếu là thuốc đặt hậu môn, mẹ nên để thuốc ở ngăn lạnh của tủ lạnh (thuốc đặt để hạ sốt), hoặc làm thuốc uốt trước khi nhét vào hậu môn của con tránh làm tổn thương con. Sau khi nhét xong, mẹ nên giữ mông con khít lại vài phút để thuốc không bị rơi ra.
Những thứ nào cần có trong tủ thuốc gia đình?
Mỗi gia đình nên có một tủ thuốc, trong đó, lúc nào cũng phải có những thứ sau:
- Bông, gạc
- Bǎng buộc, bǎng dính (keo)
- Kéo
- Nước muối sinh lý (dạng chai nhỏ hoặc chai lớn đều được)
- Thuốc sát trùng
- Thuốc đặt hậu môn (hạ sốt, nhuận tràng)
- Thuốc hạ sốt dạng gói
- Siro ho
- Miếng dán hạ sốt
- Dụng cụ đo nhiệt độ (chính xác nhất là dụng cụ cặp nách, nếu không có thể dùng dụng cụ đo điện tử)
- Dụng cụ cho trẻ uống thuốc (đối với trẻ nhỏ)
- Dụng cụ đo lường thuốc (đối với thuốc dạng nước)
Mẹ cần chuẩn bị những loại thuốc cơ bản đề dùng khi con bệnh
Để giữ thuốc đúng hạn, thi thoảng mẹ nên coi lại các thứ thuốc ở trong tủ thuốc để xem loại nào còn dùng được, loại nào nên vứt đi, thứ nào đã dùng hết, phải mua bổ sung.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]