Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương, trung bình hàng năm lực lượng QLTT phát hiện, xử lý khoảng 300 vụ vi phạm, xử phạt hành chính hàng tỷ đồng. Nhưng đến nay, buôn lậu phân bón giả vẫn tràn lan và ngày càng phức tạp. Các vụ vi phạm chủ yếu vẫn là sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, nhái nhãn mác… tập trung nhiều các tỉnh như An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc CTCP Phân bón Bình Điền cho biết, do lợi nhuận trước mắt, tại một số tỉnh thành trên cả nước xuất hiện nhiều cơ sở DN tư nhân sản xuất phân bón giả của các DN uy tín, phân bón kém chất lượng tung ra làm nhiễu loạn thị trường. Điển hình có những cơ sở bất chấp luật pháp, dùng gạch non nghiền ra pha trộn với đất sét, đá làm giả kali, hoặc phân trộn với cát nhuộm đỏ đóng bao bì là kali 60% K20 để bán, nhưng hàm lượng và giá trị rất thấp…
“Hành vi lừa đảo trục lợi của một bộ phận những cơ sở sản xuất như vậy đáng bị lên án, xử lý nghiêm. Bởi, nó không chỉ khiến nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh thất bát trắng tay, thiệt hại nghiêm trọng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những DN sản xuất hàng thật, hàng đảm bảo chất lượng. Cũng như, nó là nguyên nhân đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp lên cao, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước”, ông Phong nói.
Việc phải cạnh tranh, đối phó với sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu nhập lậu tràn lan từ Trung Quốc, cũng như đối chọi với các tập đoàn sản xuất lớn mạnh từ các quốc gia đang dần chiếm lĩnh thị trường, cũng đã khiến nhiều DN sản xuất phân bón nội đau đầu. Nhưng với “ma trận” trùng điệp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ càng làm cho thị trường phân bón trong nước thêm phần nhiễu loạn.
Tổng giám đốc CTCP Vật tư Nông sản (Apromaco) Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, khó nhất là chính những cơ sở, DN nhỏ lẻ đã không tự ý thức xây dựng thương hiệu, chất lượng cho sản phẩm của mình mà lại tự triệt tiêu thị trường bằng cách nhập nhằng giá trị, nhãn mác… để nâng giá, hoặc sử dụng cả công thức hàm lượng làm tên sản phẩm như NPK 5.10.3 để làm người nông dân hiểu lầm, nhưng thực chất hàm lượng thấp.
Một số DN sản xuất phân bón có quy mô cũng phản ánh, những loại phân bón giả thường có hàm lượng dinh dưỡng thấp, chỉ bằng 1/10 loại phân bón khác, trong khi giá bán vẫn xấp xỉ, hoặc thấp hơn không đáng kể với giá bán phân bón có thương hiệu. Như vậy, vô hình trung các DN sản xuất hàng thật khó có thể cạnh tranh lại, trong khi người nông dân lại không dễ dàng phân biệt thật giả, còn QLTT thì cứ bắt chỗ nọ lại nảy ra chỗ kia.
Để đầu tư nhà xưởng, máy móc, dây chuyền công nghệ mới, DN sản xuất phân bón phải chi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để đảm bảo yêu cầu chất lượng. Trong khi phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đều sản xuất trong môi trường tạm bợ, không đầu tư nghiên cứu sản phẩm, xử lý môi trường… vẫn ngang nhiên bán hàng ra thị trường.
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có 500 DN sản xuất phân bón và khoảng 30.000 đại lý kinh doanh phân bón. Trong đó, chỉ khoảng 10% DN có quy mô sản xuất lớn, đầu tư bài bản, còn lại đến 90% DN nhỏ, lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trên thị trường hiện nay vẫn còn tồn tại không ít DN “làm giả, ăn thật”, nhập lậu, trốn thuế khiến cho thị trường phân bón trở nên tù mù, trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần phải có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ hơn để thị trường phân bón đi vào ổn định, lành mạnh góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp nước nhà ngày một lớn mạnh vì đây là thị trường còn rất nhiều tiềm năng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]