- Thị trường
- Tài chính
- Bất động sản
- Thời trang
- Làm đẹp
- Sức khoẻ
- Ẩm thực
- Du lịch
- Đời sống
- Công nghệ
- Giáo dục
- Xe 360
1. Snowy Road
|
Snowy Road lấy bối cảnh chiến tranh Nhật - Hàn, khi mà Hàn Quốc phải sống dưới sự đô hộ của nước Nhật. Bộ phim kể về hai cô gái trẻ sống cùng làng nhưng có xuất thân hoàn toàn khác nhau. Jong Boon (do Kim Hyung Gi thủ vai) được sinh ra trong một gia đình thiếu thốn, nghèo khó. Trái lại, Young Ae (do Kim Sae Ron thủ vai) lại có xuất thân quyền quý, cuộc sống đủ đầy.
Số phận đưa đẩy hai cô gái gặp nhau trên cùng một chuyến tàu: Jong Boon bị bắt cóc còn Young Ae lên tàu vì tin rằng mình được sang Nhật du học. Cả 2 không biết rằng chuyến tàu lại là khởi đầu cho cuộc sống đau thương của hai cô gái bị bắt đi làm “phụ nữ giải khuây”.
8 bộ phim Hàn đề tài chiến tranh gây rúng động
Snowy Road tái hiện đầy đủ những tủi nhục, sợ hãi mà những cô gái thời chiến gọi là “phụ nữ giải khuây” phải chịu đựng. Họ bị ép buộc, bị bắt cóc từ nhà của mình đưa đến “trạm giải khuây” để làm nô lệ tình dục cho quân lính Nhật.
Có rất nhiều cô gái Hàn Quốc, Triều Tiên đã phải trải qua “cơn ác mộng” đến từ Đế quốc Nhật này, vì thế hằng năm Hàn Quốc vẫn làm nhiều dự án để tưởng nhớ đến họ, trong đó có cả những bộ phim như Snowy Road. Bộ phim cũng được công chiếu vào ngày 1/3/2017 nhằm kỷ niệm ngày Phong trào Độc lập tại Hàn, ngày 1/3/1919.
2. Spirits’ Homecoming
|
Cũng là một bộ phim lấy đề tài về những “phụ nữ giải khuây” trong thời Nhật đóng chiếm Hàn Quốc năm 1943. Spirits’ Homecoming kể về hai cô bé Jung Min 14 tuổi và Young Hee 16 tuổi. Gia đình Jung Min tuy nghèo khó nhưng vẫn sống rất hạnh phúc, ấm áp. Young Hee lại mất cha mẹ trong chiến tranh phải một mình gánh vác “sinh nhai”, nuôi nấng các em còn nhỏ khi mới chỉ 16 tuổi.
Một ngày, lính Nhật kéo đến ép các cô gái phải rời xa gia đình, chúng cho các em vài phút để gói gém đồ đạc và nói lời từ biệt. Sau đó, Jung Min và Young Hee cùng nhiều cô gái trẻ khác được chở đến nơi gọi là “trạm giải khuây” trên một chuyến xe chở vật nuôi. Lúc này, họ biết mình sẽ phải trở thành “phụ nữ giải khuây” đáp ứng nhu cầu tình dục của quân lính Nhật.
|
Bà Kang Il Chul và bức tranh gây ám ảnh. |
Đạo diễn Spirits’ Homecoming Cho Jung Rae đã lấy cảm hứng từ bức tranh của bà Kang Il Chul, một nạn nhân còn sống qua cơn ác mộng “phụ nữ giải khuây”. Bức tranh này vẽ lại những gì bà tận mắt nhìn thấy: lính Nhật lạm dụng các thiếu nữ, thiêu sống những cô gái bị bệnh hay sức khỏe yếu.
3. Đảo địa ngục
|
Đảo địa ngục đang là bom tấn phòng vé ở nhiều nước Châu Á bởi nội dung mang yếu tố lịch sử vô cùng kịch tính cùng dàn diễn viên nổi bật như Hwang Jung Min, Song Joong Ki, So Ji Sub,... Cũng lấy bối cảnh thời thuộc địa Nhật, Đảo địa ngục ghi lại câu chuyện của gần 400 người bị đưa đến đảo Hashima để khai thác mỏ than, họ cố gắng thoát khỏi nơi gọi là “địa ngục” trần gian này.
Đảo địa ngục phần nào thuật lại những đắng cay mà nô lệ tại Hashima phải chịu đựng. Bộ phim gây tranh cãi về việc so sánh Hashima với địa ngục. Theo tờ Sankei Shimbun của Nhật, Đảo địa ngục đã bóp méo sự thật. Phản bác lại, đạo diễn Ryoo Seung Wan phát biểu ông muốn truyền tải thông điệp “Chiến tranh có thể biến con người thành quái vật” và ý tưởng đảo địa ngục cũng được nghĩ ra khi vị đạo diễn này ghé thăm Hashima.
4. Northern Limit Line
|
Bộ phim được dựa trên một sự kiện có thật gọi là “Cuộc chiến thứ hai tại Yeon Pyeong” diễn ra vào năm 2002.Thời điểm này người dân Hàn Quốc đang hướng mọi sự chú ý về đội tuyển bóng đá Hàn thi đấu cùng Thổ Nhĩ Kỳ tranh vị trí thứ ba tại World Cup FIFA 2002. Lúc này, hải quân Triều Tiên triển khai hai chiếc tàu tuần tra về phía Bắc, vượt qua đường biên giới biển, gần đảo Yeon Peong.
Trong khi đang thực hiện nhiệm vụ thông thường, tàu tuần dương Hàn Quốc Chamsuri 357 đột ngột bị tấn công bất ngờ. Northern Limit Line ghi lại toàn cảnh sự việc này đồng thời xây dựng hình ảnh những người lính quả cảm quyết tâm bảo vệ tổ quốc.
|
Những người hi sinh trong cuộc tập kích bất ngờ. |
Cuộc chiến trong thời bình này khiến 6 thủy thủ tàu hi sinh, 18 người bị thương, tàu Chamsuri bị phá hủy hoàn toàn, gây ra nhiều tang thương.
5. My Way
|
My Way là bộ phim có dàn diễn viên tới từ 3 quốc gia Hàn, Nhật, Trung: Kang Dong Won, Joe Odagiri và Phạm Băng Băng. Bộ phim cũng dựa trên câu chuyện có thật của chàng trai Hàn Quốc Yang Kyoung Jong. Trong Thế chiến II, anh bị bắt tham gia Lục quân Đế Quốc Nhật.
Để khéo léo khai thác câu chuyện, My Way tập trung vào tình bạn phi quốc gia đẹp đẽ giữa Kim Jun Shik và Hasegawa Tatsuo. Khi còn nhỏ, họ đã từng rất thân thiết nhưng sau này lại trở thành đối thủ trong môn điền kinh. Một lần, do bạo động trong một cuộc thi chạy, Jun Shik cùng nhiều người Hàn khác bị chính phủ bắt phải gia nhập Lục quân.
My Way mang khung cảnh u ám đầy khói đạn, buồn bã như chính hiện thực, như chính những gì Thế chiến thứ II đã gây ra cho nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.
6. 71: Into The Fire
|
Sự kiện 71 sinh viên Hàn Quốc kiên cường chiến đấu trước hàng trăm quân lính Triều Tiên gần trường trung học nữ Pohang vào ngày 25/6/1950 được dựng thành phim 71:Into The Fire. Bộ phim nói về Kap Jo (Kwon Sang Woo), một học sinh phạm tội giết người. Trong khi thi hành bản án của mình, Kap Jo đã tình nguyện tham gia chiến đấu như một binh lính thực thụ. Oh Jang beom (TOP), một sinh viên có khả năng chiến đấu, được đưa đến ngôi trường ở Pohang, anh có vai trò chỉ huy hơn 70 sinh viên khác đấu tranh chống lại quân Triều Tiên.
|
Hình ảnh những sinh viên đã liều mạng để bảo vệ Pohang. |
Cuộc chiến tại Pohang đã gây ra nhiều thương vong cho cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc, có đến 48 sinh viên Hàn hy sinh. Bộ phim cũng phần nào thể hiện sự tàn khốc của chiến tranh khi mà ngay cả những học sinh chỉ mới 15, 16 tuổi cũng phải cầm súng chiến đấu.
7. May 18
|
Cuộc biểu tình quy mô lớn tại Gwangju |
Vào ngày 18/5/1980, sinh viên ở tỉnh Gwangju, Hàn Quốc đã tụ tập trước Đại học Quốc gia Chonnam để phản đối việc đóng cửa trường đại học này. Quân đội nhanh chóng vây quanh trường đại học và sử dụng vũ lực để đàn áp cuộc biểu tình, tạo ra một cuộc thảm sát đẫm máu.
|
May 18 mượn câu chuyện của Min Woo để tái hiện lại toàn cảnh vụ thảm sát ngày 18/5. Min Woo đang sống yên bình với em trai, cho đến khi xảy ra bạo loạn, sự việc khiến anh cùng với nhiều người khác đứng ra thành lập lực lượng bảo vệ các sinh viên.
8. Cờ thái cực giương cao
|
Cờ thái cực giương cao lấy bối cảnh thành phố Seoul vào năm 1950, 2 anh em Lee Jin Tae và Lee Jin Seok sống trong một gia đình lao động nghèo khó nhưng hết mực yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Hàng ngày, Jin Tae làm công việc đánh giày để kiếm tiền phụ giúp gia đình và trang trải việc ăn học cho cậu em Jin Seok. Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, họ phải lao mình vào mưa bom bão đạn. Vì em mình, Jin Tae luôn nỗ lực hết mình, mong mỏi Jin Seok vẽ tiếp ước mơ còn dang dở.
Cờ thái cực giương cao là bộ phim cảm động về tình cảm gia đình cao đẹp và phản ánh chiến tranh tàn bạo.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]