Tôi tin rằng miễn mình có khả năng kiếm tiền thì mua gì chẳng được. Với ý nghĩ đó, những công thức nấu nướng được mẹ dạy, tôi... để dành khi nào thật cần thiết chứ bình thường ít khi vận dụng, cho đến khi lấy chồng.
Chồng tôi là người dễ tính, tính tình anh xuề xoà, sao cũng được. Chúng tôi thuê người giúp việc nên chuyện chợ búa, cơm nước không phải là thứ khiến tôi, người phụ nữ duy nhất trong nhà đau đầu hay mất thời gian lo nghĩ để dành trọn thời gian cho công việc, con cái.
Tết những năm đầu sau khi cưới, với phương châm "nhanh gọn lẹ", tôi biếu mẹ chồng một số tiền kha khá với ý nghĩ như vậy sẽ tiện hơn, để bà thích gì mua nấy, hơn nữa nhà mẹ cũng đâu thiếu gì, sợ tôi tự mua quà về lại nhằm thứ bà không thích hoặc nhà có rồi thì lại thừa đâm lãng phí. Nhưng mẹ chồng tôi không nhận tiền. Tôi hiểu bà từ chối vì gia đình đâu cần tiền, ông bà chỉ mong con cháu về chơi là đủ hạnh phúc rồi. Nhưng thấy mấy chị em bạn dâu khác quà cáp lễ mễ cho bố mẹ chồng, tôi thấy ngại nên đi siêu thị mua những giỏ quà gói sẵn.
Tôi không tiếc tiền chọn những món quà sang trọng, bổ dưỡng để mua biếu bố mẹ chồng mình. Từ chai rượu đến các loại bánh trái ngoại nhập để ông bà đãi khách cho sang đến những hộp yến, sâm để ông bà bồi dưỡng. Bao giờ cũng vậy, những giỏ quà đắt tiền của tôi được đặt trang trọng ở phòng khách, ai đến chơi nhà cũng tấm tắc khen mẹ chồng tôi có con dâu tinh tế, đã giỏi giang lại tâm lý, khéo chọn quà xịn, quà sang. Tôi từng nghĩ bấy nhiêu đó đủ để ông bà "mát mặt" vì sự hiếu thảo, chu đáo của con cái rồi.
Được vài cái Tết như thế, tôi nhận ra dường như mình đã cảm nhận chưa đúng lắm về hình thức cũng như ý nghĩa của những món quà tết mà tôi vẫn chuẩn bị mỗi cuối năm cho nhà chồng, gia đình thứ hai của mình. Trong khi tôi chỉ "đầu tư" vào giá trị và sự hào nhoáng, bắt mắt của những giỏ quà Tết - những món quà vốn chỉ tiêu tốn của tôi một khoản tiền nào đấy nhưng lại không chiếm mất quá nhiều thời gian, công sức và cả sự tâm huyết để chuẩn bị thì mấy chị em bạn dâu của tôi, những phụ nữ chân chất, tình cảm ở quê lại hì hục nấu món này món kia để dành biếu bố mẹ chồng, những món mà đứa con dâu "dân thành phố" duy nhất trong nhà như tôi hoàn toàn không có ý nghĩ sẽ tự mình nấu nướng, chuẩn bị.
Có người gói bánh chưng, người nấu thịt đông, người làm giò thủ, dưa cải muối chua... toàn những món đặc trưng mà những người Bắc truyền thống như bố mẹ chồng tôi rất thích. Không như mỗi lần có ai đó xuýt xoa khen những món quà tôi đem về, bố mẹ chỉ cười xoà, mỗi khi mời ai đó thưởng thức những món mấy người chị em bạn dâu của tôi làm, bà lại khoe "món này của cái X. làm đấy!" hoặc "bánh của cái Y. gói đấy!" Giọng mẹ không giấu sự tự hào khiến tôi có cảm giác gì đấy như là sự tủi thân, như là sự so sánh. Mà khách đến chúc Tết gia đình phần lớn là đồng hương của bố mẹ chồng tôi, những người vốn yêu lối sống cũng như những giá trị văn hoá truyền thống.
Tôi quyết định phải làm gì đó để thay đổi nên từ sau Tết năm rồi, tôi bắt đầu lên mạng tìm hiểu công thức cũng như cách làm một số món đơn giản. Tôi hỏi thêm kinh nghiệm từ mẹ tôi và một số người thân, bạn bè. Chợt nhận ra chỉ cần chút kiên nhẫn và chịu khó học hỏi thì việc nấu nướng không có gì quá phức tạp. Tưởng tượng nụ cười của bố mẹ chồng khi tự hào khoe với mọi người "món này của cái V. làm đấy!", trong tôi bỗng lâng lâng, rộn ràng những cảm xúc khó tả.
Mới hay, chẳng có việc gì khó khi ta làm cho những người mình yêu thương với tất cả tình cảm và sự quý trọng, huống gì khi ta làm việc đó vào những thời khắc đặc biệt như dịp Tết, mùa trao những yêu thương.
Đỗ Thu Vân
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]