Sau một tình yêu tan vỡ, bạn thường sẽ có suy nghĩ đại loại như: “Sao mọi chuyện lại như thế, mình sẽ sống ra sao!” Đừng nghiêm trọng hóa mọi việc như vậy, chỉ có nhịn ăn – nhịn uống – ngừng thở thì ta mới thật sự chết mà thôi. Nói như vậy không có nghĩa cổ súy việc xem thường cảm xúc sau khi chia tay, với những ai yêu thật lòng sâu đậm thì đau đớn dằn vặt là điều hiển nhiên, có một số cặp đôi tâm đầu ý hợp như sinh ra là dành cho nhau, hoặc như đã gắn bó với nhau quá lâu đến mức mọi cảm xúc phụ thuộc vào đối phương nên “sụp đổ” sau một cuộc tình là điều có thể cảm thông.
Khi ta yêu một ai đó cũng là lúc thế giới quan của ta thay đổi, những gì họ làm hay suy nghĩ đều ít nhiều ảnh hưởng đến chúng ta, thời gian gắn bó càng lâu thì ảnh hưởng càng bén rễ sâu vào suy nghĩ và cảm xúc. Mọi thứ họ làm, mọi điều họ suy nghĩ đều mang một ý nghĩa, nhờ có một nửa gắn kết đó mà cuộc sống chúng ta trở nên “màu hồng” hơn, tiếp thêm động lực phấn đấu và những khó khăn hay suy tư trong cuộc sống bỗng trở nên nhoạt nhòa đi như bị một lăng kính mờ phủ lên. Rồi bỗng một ngày hiện thực phũ phàng ập đến khi người ấy chợt trở thành người yêu cũ và không còn quanh đây, bạn sẽ thức dậy với một cảm xúc hỗn độn ê chề và cảm thấy chới với khi mọi điều cả hai vun vén cùng nhau bỗng tan tành như chưa từng tồn tại. Hiện thực vỡ vụn, bạn sẽ quờ quạng tìm kiếm đâu là ý nghĩa của cuộc sống mà không có người kia, bạn cũng sẽ tự hỏi bản thân liệu đây là cơn mê hay thật sự hai người đã kết thúc rồi, chưa dừng lại ở đó khi những hiện thực trăn trở từng một thời phủ kín bởi lăng kính mờ kia sẽ dồn dập kéo đến… Tất cả cảm xúc tiêu cực sẽ đều kéo đến như muốn bẻ gãy mọi động lực phấn đấu. Bạn cũng sẽ dần mất niềm tin vào bản thân, vào người xung quanh cũng như không còn tin vào hạnh phúc… Vượt qua điều đó được hay không là nằm ở bản thân mỗi người, có người vài tháng, có người vài năm nhưng có khi vẫn sống với niềm canh cánh của đời.
Dù sao thì, khi đến một giới hạn chịu đựng thì bạn cũng sẽ quyết đinh buông bỏ những cố chấp về người yêu cũ và quyết đinh tiếp bước. Nhưng bước tiếp bằng cách nào? Liệu có bắt buộc phải xóa hết hồi ức của cả hai? Chẳng thể được, bộ não con người không phải là một máy tính mà bạn có thể quyết định lưu giữ hay xóa dữ liệu, những hồi ức đáng nhớ của cả hai vẫn sẽ nằm yêu trong đó.
Chuyện cần đến bao lâu để nguôi ngoai nỗi đau là vấn đề của mỗi người, tôi không lạm bàn nhưng điều quan trọng nhất của cuộc “cải cách bản thân” mà bạn cần nhớ là: “Không cần phải quên người yêu cũ và những kỷ niệm, hãy tôn trọng chúng và chỉ cần cứ tiếp bước mà thôi”. Hãy cố gắng bình tâm, nhớ lại những gì mình thường làm và bắt đầu hình thành lại những thói quen sinh hoạt và công việc như trước: ngủ dậy lúc mấy giờ, nấu ăn sáng cho bản thân (thay vì phải nấu thêm cho anh/cô ấy như trước đây), vẫn bắt đầu ra khỏi nhà đi làm và về nhà như thời khóa biểu cũ (chỉ là không còn những nụ hôn hay những lần đón đưa)… Nếu để tìm ra một điểm gì đó tích cực từ cuộc tình tan vỡ, thì đó là bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn để hẹn hò cùng bạn bè hay chăm sóc bản thân nhiều hơn. Điều khác biệt của những người biết nắm bắt “điểm tích cực” đó là thay vì dành 100% “thời lượng” để khóc lóc và đóng phim buồn thì họ dùng nó để đầu tư và chăm sóc bản thân tốt hơn sau vết thương.
Chúng ta chỉ là đang lãng mạn hóa cuộc tình và bám víu vào nó mà quên mất những hiện thực rằng, tình yêu tan vỡ là một điều quá đỗi bình thường trong cuộc sống, điều không bình thường đó chính là bạn mãi cố chấp với nó mà bỏ bê bản thân. Thất tình không khiến bạn chết, nó chỉ là một giai đoạn cảm xúc trong cuộc sống của loài người từ hàng ngàn năm nay, vấn đề luôn nằm ở bản thân bạn. Đau khổ trong tình yêu là điều đáng thương và cần được cảm thông, nhưng chỉ trong giới hạn cho phép, vì nếu một cuộc tình dở dang mà khiến bạn không vực dậy được là một tình yêu độc hại, hoặc ít ra bạn là người có vấn đề.
Đôi khi bạn gặp một ai đó với tiếng sét ái tình với suy nghĩ “cô ấy/anh ấy chính là một nửa của mình”, nhưng đảm bảo rằng với hơn 7 tỷ dân trên Trái Đất này thì “một nửa” mà bạn biết chắc chắn sẽ nhiều hơn một. Một cánh cửa đóng lại là một cơ hội dành cho một cánh cửa khác, chỉ là bạn có đủ sáng suốt để nhìn ra thay vì cố chấp mãi chạy theo một người mà bỏ qua những cánh cửa tuyệt vời khác hay không mà thôi.
Và một lần nữa người viết muốn nói rằng: “Cứ để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, cứ giữ vết thương ở đó, đừng chối bỏ bất cứ kỷ niệm nào với người yêu cũ hay cảm xúc của bản thân, hãy trân quý những điều đã qua. Nhưng nói như vậy để bạn cố chấp sống mãi trong đau khổ, bạn phải tiếp bước để quay lại với quỹ đạo cuộc sống, rồi một ngày những vế thương đó sẽ trở thành một phần của ký ức mà ta sẽ cảm thấy thanh thản và mỉm cười khi nhớ về”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]