Sau một thời gian tìm hiểu và yêu nhau, chàng trai ngỏ ý muốn đưa cô gái về nhà ra mắt bố mẹ. Bố mẹ anh tuy khá dễ chịu nhưng cũng là người xem trọng lễ nghĩa và nguyên tắc. Bạn gái anh thì là một cô nàng rất sôi nổi, vui vẻ và lễ phép nên anh cũng không mấy lo lắng đối với cuộc gặp này.
Hôm đó bạn gái tới nhà, thấy mẹ anh đang lúi húi trong bếp làm đồ ăn, cô cũng rất xông xáo vào giúp đỡ. Bố anh thì chỉ mỉm cười rồi ngồi xem tivi, không nói lời nào cho đến khi đồ ăn được dọn ra bàn.
Bữa cơm hôm đó cả nhà khá thoải mái. Anh với bạn gái trò chuyện rôm rả. Bố anh không nói nhiều mà chỉ ngồi nhìn mọi người. Anh thi thoảng lại gợi thêm chủ đề, hỏi thêm vài câu để làm cầu nối giúp mẹ với bạn gái mình nói chuyện thân mật hơn. Anh nghĩ chắc mẩm trong bụng rằng ải gặp phụ huynh đầu tiên đã được thông qua.
Sau khi tiễn người yêu, anh chàng quay về nhà thì đã thấy bố ngồi đợi trên ghế salon ở phòng khách. Bố anh nhẹ nhàng gọi anh xuống ngồi cùng và nói:
“Bố không cấm con yêu, nhưng cô gái này không thể trở thành con dâu nhà mình đâu. Rồi con xem!”
Anh chàng thật sự bất ngờ, không hiểu vì sao bố mình lại nói như thế. Anh vội vàng hỏi:
“Tại sao vậy bố? Bữa cơm lúc nãy rất vui vẻ cơ mà?”
Ông bố chậm rãi uống một ngụm trà rồi nói:
“Nhìn nết ăn uống của một người có thể phản ánh được tính cách của họ. Cô gái này ăn không biết nhìn trước ngó sau. Cầm đũa gắp thức ăn mà lại hất bên này, đào bên kia chọn lựa, gặp món mình thích còn đảo nhiều hơn nữa. Cả tô canh như vậy mà cầm muỗng ngoáy, mò thức ăn bên dưới…”
Chàng trai tỏ vẻ không đồng tình:
“Bố quá nghiêm khắc rồi ạ. Con thấy mỗi người có một thói quen ăn uống riêng. Có người ăn nhanh, người ăn chậm, có người thích xúc muỗng to, có người thích ăn từng miếng bé… Đâu có gì to tát đâu?”
Ông bố thở dài giải thích:
“Một người nghèo đói, túng quẫn nếu thấy đồ ăn ngon thì nết ăn này còn chấp nhận được. Nhưng bạn gái con đâu có túng thiếu, cuộc sống rất thoải mái và đầy đủ, nên nhìn kiểu ăn này bố chỉ thấy một con người ích kỷ hẹp hòi và tham lợi riêng mà thôi. Một mâm đồ ăn chung nhưng bạn con không để ý đến mọi người, dùng đũa đảo tung lên như vậy. Ví dụ như một mâm lợi ích trước mắt thì có lẽ cô ấy cũng không từ thủ đoạn để chiếm lĩnh riêng lợi ích về mình.”
Đặt tay lên vai con trai, ông bố quả quyết:
“Đừng xem nhẹ đôi đũa con ạ. Nó có thể phản ánh phẩm hạnh của người cầm đũa đấy!”
Người con trai ngồi im lặng không nói thêm tiếng nào. Anh vẫn nghĩ rằng bố mình lần này tiểu tiết và nghiêm khắc quá rồi.
Một thời gian sau, lời của ông bố nói hóa ra hoàn toàn chính xác. Cô bạn gái của anh gặp được một người giàu có, giỏi kiếm tiền hơn nên ra mặt phũ phàng đòi chia tay với anh. Nếu như không được bố khuyên răn từ trước, có lẽ đến giờ này anh chàng vẫn sẽ không tỉnh ngộ, vẫn kiên quyết đến cùng không thể bỏ được tình cảm ấy. Anh thầm cám ơn bố vì một bài học nhìn người vô cùng sâu sắc, suốt đời này anh cũng sẽ không bao giờ quên.
Thật đúng là như vậy, việc tu tâm dưỡng tính cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất như là cầm đũa. Một bàn thức ăn ngon có thể đại diện cho những dục vọng và ham muốn của con người. Một người tham ăn, đào xới mâm cơm để tìm lấy miếng ngon, ăn không biết đến mọi người xung quanh… chính là tố cáo phẩm hạnh của họ không tốt, là người ích kỷ, chỉ muốn tư lợi và không biết kiềm chế bản thân. Vậy nên chúng ta ai cũng nên chú ý đến nết ăn uống của mình, đừng chỉ vì một điều nhỏ như vậy làm hạ thấp nhân cách của mình trong mắt những người xung quanh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]