Một năm trước đây, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đối diện với tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề, cuộc sống trở nên ngột ngạt khó khăn, người dân phải đương đầu với nhiều bệnh lý về hô hấp.
Đến tháng này, người ta không khỏi hân hoan khi nhìn thấy bầu trời xanh, trong cao vút. Tất nhiên, yếu tố thời tiết thay đổi đóng vai trò quan trọng, thế nhưng đó không phải tất cả, đang có quá nhiều người phải đánh đổi cho sự sạch sẽ đó, theo khẳng định của Washington Post.
Trong năm ngoái, chất lượng không khí tại Bắc Kinh cải thiện mạnh chưa từng có. Chỉ số hạt bụi mịn PM2.5 (hạt bụi lơ lửng đường kính từ 2,5 micromet trở xuống, độc tính mạnh hơn PM10) tại thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và 26 thành phố phụ cận đã giảm đến 33% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của tổ chức Hòa bình xanh Đông Á.
Trong quyết tâm làm trong sạch bầu không khí, hơn 5.600 thanh tra môi trường đã được chính phủ tuyển dụng từ khắp các tỉnh thành trên cả nước để cùng nhau bàn cách ứng phó. Ngay lập tức, hàng chục nghìn nhà máy gây ô nhiễm đã bị buộc phải thay đổi cách sản xuất của họ theo hướng thân thiện với môi trường, nếu họ không tuân thủ sẽ buộc phải bị đóng cửa.
Cùng lúc đó, hàng triệu hộ gia đình phải nhanh chóng ngừng sưởi ấm bằng các thiết bị sử dụng than đá mà chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên.
Và bầu trời cao xanh cũng có giá của nó: Những nhà máy bị đóng cửa đang tuyển dụng hàng chục ngàn công nhân buộc phải sa thải họ. Hàng triệu người sống trong các khu vực phụ cận Bắc Kinh đã không thể tiếp tục sưởi bằng than đá nhưng cũng không thể tiếp cận được với nguồn khí đốt, kết quả họ phải sống qua một mùa đông vô cùng lạnh giá.
Trong bối cảnh hiện tại, nếu không thể nhanh chóng có giải pháp, chắc chắn những áp lực từ các đối tượng phải chịu thiệt nói trên sẽ ảnh hưởng đến chính sách không khí sạch của chính phủ. Trước đây, Trung Quốc thường đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên cao hơn môi trường, nhưng mọi chuyện đã thay đổi.
Có thể nói, chính phủ Trung Quốc đã cực kỳ quyết liệt trong mục tiêu làm thanh sạch bầu không khí. Năm 2014, thị trưởng thành phố Bắc Kinh đã đưa ra một quyết định sinh tử với sự nghiệp của ông khi ông tuyên bố sẽ giảm chỉ số PM2.5 xuống dưới 60 từ mức 90 ở thời điểm đó. Cuối năm 2016, khi mục tiêu này không thể hoàn thành, ông mất chức.
Ở thời điểm đó, quá nhiều người hoài nghi rằng Trung Quốc sẽ không thể thực hiện được mục tiêu giảm ô nhiễm mà nước này đề ra. Cuối cùng, Trung Quốc vẫn làm được.
Tại Bắc Kinh, doanh số bán mặt nạ và dụng cụ lọc không khí đã giảm bởi số lượng những ngày ô nhiễm giảm xuống 23 trong năm 2017 từ con số 58 ngày của năm 2013. Và cũng nhờ vào yếu tố thời tiết, chỉ số PM 2.5 ở thời điểm quý 4/2017 chỉ bằng chưa đầy một nửa so với một năm trước. Những học sinh khi đi học giờ đã được cho phép chơi ngoài trời thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, cùng lúc đó tại tỉnh Hà Bắc gần thủ đô Bắc Kinh, những người công nhân nhà máy phàn nàn nhiều về việc nhiều nhà máy đóng cửa khiến gia đình họ mất đi nguồn sinh kế, người dân khổ sở với mùa đông lạnh giá khi mà lò sưởi bằng than đá đã bị thu trong khi khí gas tự nhiên lại không được cung cấp đủ và đều.
Tỉnh Hà Bắc là một trong những tỉnh có tình trạng ô nhiễm không khí công nghiệp tồi tệ nhất trên thế giới. Chỉ riêng sản lượng thép do tỉnh sản xuất ra tương đương với sản lượng thép của toàn bộ khu vực Tây Âu. Không chỉ vậy, tỉnh Hà Bắc còn là nơi tập trung nhiều nhà máy xi măng, gốm sứ, sản xuất chất hóa học.
Chính quyền tỉnh Hà Bắc đối diện với quá nhiều vấn đề hóc búa, họ không biết làm cách nào để cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Nếu muốn bảo vệ môi trường, người dân của họ sẽ thất nghiệp, bạo loạn xã hội sẽ tăng cao. Các nhà máy gây ra ô nhiễm nhưng nó cũng mang lại nguồn thu thuế và việc làm.
Và đến năm ngoái, họ cũng buộc phải thay đổi. Tầng lớp trung lưu Bắc Kinh có đủ sức mạnh để không chính phủ nào có thể làm ngơ, đồng thời vấn đề ô nhiễm không khí tại thủ đô cũng khiến Trung Quốc không khỏi xấu hổ với quốc tế.
Chính phủ quyết liệt ra tay, hàng trăm nhà máy nhỏ bị buộc phải đóng cửa, trong khi đó các nhà máy lớn phải chuyển từ dùng than đá sang khí đốt tự nhiên. Nhiều dự án xây dựng bị ngưng lại, lò sưởi than đá tại hàng triệu hộ gia đình bị phá hủy. Toàn tỉnh Hà Bắc, nơi đâu người ta cũng có thể thấy thông báo về việc cấm dùng than đá.
Hàng triệu người Trung Quốc bị mất lò sưởi than đá, được lắp lò sưởi dùng khí đốt nhưng cuối cùng lại không được cung cấp khí đốt đủ thường xuyên, phải sống qua mùa đông lạnh giá, họ đã lên các trang mạng xã hội để than phiền. Cuối cùng, đầu tháng 12/2017, chính phủ Trung Quốc nới lỏng bớt quy định cấm dùng than đá.
Tóm gọn lại, có thể khẳng định Trung Quốc đang thành công với cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. Chỉ số PM2.5 tại 74 thành phố trên khắp Trung Quốc giảm khoảng 35% trong 4 năm qua.
Thế nhưng thành công đó đang không đồng đều trên khắp cả nước, trong khi không khí tại Bắc Kinh và Hà Bắc đang cải thiện thì không khí tại An Huy và Giang Tô đang ngày một ô nhiễm hơn.