Tôi sống ở quê, sắp có việc phải ra Hà Nội giải quyết. Bản thân có nghe nói công an ở đây bắt đầu xử phạt người đi bộ nếu đi không đúng phần đường. Nhờ luật sư tư vấn giúp làm cách nào để tránh bị phạt?.
Tuyến phố Hàng Cân, Lương Văn Can nhiều đoạn không còn chỗ cho người đi bộ trên vỉa hè. Ảnh: Vietnamnet.
Luật sư Đào Thị Tơ (Đoàn luật Hà Nội) tư vấn cho bạn Minh Đức như sau:
Từ ngày 1/2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an Hà Nội) đã ra quân xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông như đi không đúng làn đường, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường …
Đây là một quy định có từ lâu nhưng hiện nay CSGT mới tiến hành xử phạt. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 171/2013/NĐ – CP ngày 13/11/2013 Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;
c) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
2. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
b) Vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
c) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
3. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Nếu đây là lần đầu bạn ra Hà Nội thì bạn nên đi cùng với người quen. Đường phố ở đây rất khó đi, nhiều tuyến đường không có vỉa hè hoặc nếu có vỉa hè thì cũng đã bị lấn chiếm gần hết, chưa kể những giờ cao điểm vỉa hè sẽ trở thành đường...
Trong khi đó, Luật giao thông đường bộ quy định những nơi có vạch kẻ đường để người đi bộ sang đường người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ, quan sát, nhường đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, trên thực tế thì lại khác, ngay tại nơi có vạch trắng sang đường cho người đi bộ những dòng xe qua lại cứ ùn ùn lao đi như không có sự khác biệt so với khu vực khác, người đi bộ vẫn phải đối mặt với hiểm nguy, với sự thiếu tôn trọng của những phương tiện giao thông.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã đưa vào sử dụng hơn 20 hầm đường bộ tại các vi trí giao cắt trọng điểm, nơi thường xuyên xảy ra ùn tắc... Tuy nhiên, các hầm đó thường bị trưng dụng thành nơi kinh doanh hoặc bị bỏ hoang, bị khóa trái cửa hay thậm chí là chỗ để tập kết rác thải khiến cho người đi bộ không dám sử dụng.
Vì vậy, nếu bạn có công việc bắt buộc phải đi bộ một mình thì nên chú ý quan sát các biển hiệu, vạch kẻ đường để tránh việc vi phạm và bị xử phạt. Đồng thời, do bạn không phải là người Hà Nội nên cần mang theo Chứng minh nhân dân để tránh việc nếu bị xử phạt sẽ gặp nhiều rắc rối.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]