Trước giờ đại lễ cầu an của tổ đình Phúc Khách tối 4/3 (tức 14 tháng Giêng Âm lịch), người ngồi kín chỗ trong đại điện, trước sân chùa, và khu thờ phật. Ở các khu đăng ký làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn, công đức, người dân ra vào nườm nượp. Để có một chỗ ngồi gần điện tam bảo, nơi làm nghi thức chính của đại lễ, nhiều người đã đến lấy chỗ từ sáng sớm. Họ mang theo ghế nhựa để ngồi, bánh mì, nước uống để chống đói chờ đến giờ làm lễ. Dù mỏi chân nhưng không ai đi ra ngoài vì sợ mất chỗ.
Chuẩn bị cho đại lễ cầu an lớn nhất năm, rải rác từ trước Tết, chùa đã nhận đăng ký cầu an cho hàng nghìn người. Việc viết sớ cho những người tham gia đại lễ được hàng trăm sinh viên, giáo viên tiếng Trung, Hán Nôm các trường đại học ở Hà Nội giúp sức.
Hàng nghìn người may mắn đến sớm có chỗ ngồi trong sân tổ đình. Ảnh: Hoàng Phương. |
Rút kinh nghiệm những năm trước đến muộn phải chen chân trong biển người, bà Nguyễn Thị Hà (Thanh Xuân) đến chùa từ 13h vẫn không vào được điện tam bảo đành ngồi ở ngoài điện thờ Mẫu. "Thế này là tốt lắm rồi, vẫn may mắn hơn nhiều người đứng ở ngoài đường đội mưa gió. Sống 75 năm rồi, giờ chỉ cầu bình an thôi", bà nói.
Đến chùa Phúc Khánh dự đại lễ cầu an cho cả gia đình vào đầu xuân trở thành thói quen của bà Hà suốt nhiều năm nay. Có năm bận việc không đi được, bà để cho con gái đi rồi ở nhà thắp hương vái vọng. Bà cho rằng, cầu an là nét đẹp truyền thống của người Việt đầu năm nên gìn giữ. Bản thân bà không biết có "cầu được ước thấy" không nhưng lễ lạt xong đều thấy trong tâm thanh thản.
Ngồi cạnh bên, bà Nhâm Thị Tám (67 tuổi) đi xe bus từ khu đô thị Việt Hưng sang tổ đình Phúc Khánh từ lúc 11h trưa. Bà tranh thủ lễ ở các ban thờ xong, ra ngoài ăn cơm rồi lại quay trở lại chùa. Đều đặn 20 năm nay, trước và sau Tết bà đều đi lễ ở đây, đăng ký cầu an, dâng sao giải hạn từ ngày 23 Tết. Bà bảo lúc đó còn vãn người chứ những ngày đầu xuân đông người chen chân không nổi.
Xong lễ cầu an, ngày rằm tháng Giêng bà lại đến làm lễ dâng sao giải hạn cho cháu nội năm nay gặp sao Thái Bạch, ngày 18 làm lễ cho cô con gái bị sao Kế Đô chiếu mệnh. "Có công to việc lớn gì, tôi đều đi chùa cầu xin. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành mà", bà Tám nói.
Phía ngoài đường, dòng người đội mưa kéo dài từ đầu phố Thái Thịnh đến tận Ngã Tư Sở. Ảnh: Định Nguyễn. |
Để đảm bảo trật tự, lực lượng cảnh sát, dân phòng, bảo vệ đứng khắp nơi chăng dây thành từng khu vực riêng để lấy lối đi, khi kín chỗ thì đóng cửa chùa. Ông Phùng, tổ trưởng tổ bảo vệ, luôn miệng nhắc nhở: "Bà con đừng chen lấn, xô đẩy, cẩn thận bị móc túi".
Một lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, để tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh cho đại lễ cầu an, lực lượng công an, dân phòng của tất cả các phường xung quanh khu vực tổ đình Phúc Khánh đều được huy động ở mức tối đa và tăng cường hơn những năm trước. Ngoài ra, lực lượng cứu hỏa, y tế túc trực đề phòng sự cố. "Chúng tôi cố gắng làm hết sức để phục vụ nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn giao thông", ông này nói.
Trước giờ diễn ra lễ cầu an trời bỗng đổ mưa phùn khiến mọi người vội vã che ô, đội túi nilon, giấy báo trên đầu. 19h, đại lễ bắt đầu. Trong tiếng trống vang lên từng hồi, tiếng tụng kinh gõ mõ, hàng nghìn người vội ngồi ngay ngắn, chắp tay hướng về phía điện tam bảo - nơi diễn ra chính lễ - lầm rầm khấn vái.
Bên ngoài, như những năm trước, dòng người chật cứng kéo dài từ đầu phố Thái Thịnh đến tận Ngã Tư Sở khiến các phương tiện đi qua khu vực này phải di chuyển lên phía cầu vượt. Nhiều người dừng xe, đứng trên cầu vượt hướng về nơi làm lễ, chắp tay vái vọng rồi vội vã đi.
Nhiều người không tham gia đại lễ cầu an được đã ghé vào xin lộc ăn lấy may. Ảnh: Hoàng Phương. |
Đến muộn, không vào được trong sân chùa, anh Lê Văn Tuấn (35 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai) đứng ở ngoài chắp tay. Năm vừa qua, gia đình anh gặp nhiều chuyện không vui khiến trong tâm không được thanh thản. Trước nay anh ít lên chùa làm lễ vào những ngày đầu năm vì ngại đông đúc, thi thoảng đến thắp hương vào những ngày thanh vắng.
"Phật tại tâm. Đã có lòng hướng Phật thì đứng nơi đâu cũng được chứng giám. Cầu an chỉ là nghi thức thôi, còn an lành hay không thì hẳn là do bản thân mình. Nếu cầu an mà ra đường vẫn đánh nhau thì cầu cũng vô ích", anh nói.
Kết thúc đại lễ cầu an, dòng người nối đuôi nhau lần lượt ra về nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Một số người ở lại dọn dẹp rác để vào một góc. Những người khác rủ nhau đến các điểm tán lộc đặt ở phố Vĩnh Hồ, trước UBND phường Ngã Tư Sở... xin lộc là thanh oản đường, quả chuối về ăn lấy may.
Theo quan niệm nhà Phật, đại lễ cầu an mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, người người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn. Theo lịch các khóa lễ đầu năm của chùa Phúc Khánh, lễ cầu an được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng. Còn lễ dâng sao giải hạn được tổ chức vào các ngày mùng 8, 15 và ngày 18 tháng giêng.
Theo DanViet
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]