Sự thật là bạn đang lãng phí thời gian vào nhiều thứ không thực sự giúp bạn đạt được mục tiêu chính của mình. Đây là 8 thói quen thường thấy khiến một ngày của bạn trở nên lãng phí.
1. Làm những gì người khác nghĩ là quan trọng với bạn mà bỏ qua nhu cầu của bản thân
Bạn thường bắt đầu ngày mới bằng việc kiểm tra email, chỉ để tìm thêm 10 việc mới mà người khác muốn bạn làm? Hoặc làm điều đó khi đang có hạn chót cần hoàn thành thay vì thực sự đẩy nhanh tiến độ công việc?
Thay vì bắt đầu một ngày mới bằng cách xem người khác nghĩ việc gì là quan trọng với bạn, hãy quyết định những việc cần ưu tiên làm vào lúc tan sở hôm trước hoặc trước khi đi ngủ. Bắt đầu ngày hôm sau với những việc đó.
2. Nói “có” với tất cả mọi thứ nên chẳng còn khoảng trống nào cả
Chúng ta luôn muốn giúp đỡ mọi người, đó là thứ bạn được học từ khi còn bé. Nhưng nếu bạn luôn nói có thì sẽ chẳng còn khoảng “dự trữ” nào trong cuộc sống của mình cả. Và thế là bạn sẽ chạy hết từ việc này sang việc kia mà không thực sự làm đúng việc cần thiết.
Hãy cân nhắc những lời đề nghị dựa trên những gì quan trọng với bạn. Chừa ra cho mình những khoảng trống sẽ giúp bạn có thể dành thời gian cho những cơ hội mới khi chúng đến.
3. Quá cầu toàn
Vẫn biết là bạn muốn làm mọi thứ theo cách hoàn hảo nhất, nhưng nếu quá bận tâm đến chi tiết thì thực sự công việc sẽ không bao giờ xong được.
Trong thực tế không tồn tại thứ gì hoàn hảo, nên đó là một mục tiêu không tưởng. Hãy cứ làm xong một lượt và quay lại lần hai để sửa chữa những chỗ còn thiếu sót.
4. Trì hoãn mà tưởng là bận rộn
Bạn từng trải qua một ngày tưởng như chăm chỉ rồi nhận ra mình chưa thực sự làm được gì? Có lẽ là bạn mới chỉ bận rộn dọn dẹp góc làm việc, bận rộn kiểm tra email hoặc lướt mạng xã hội mà thôi. Chứ bạn chưa thực sự tập trung vào những việc quan trọng cần làm.
Hãy giới hạn một thời gian riêng cho email và mạng xã hội. Dọn dẹp cũng vậy. Cần thực sự đẩy tiến độ công việc đi lên thay vì chỉ bận rộn đâu đâu.
5. Cố đọc xong một cuốn sách chỉ vì đã bắt đầu
Bỏ dở thứ gì đó quả là tệ, nhưng nếu bạn không thích quyển sách này thì hãy kệ nó đi. Tất cả những gì bạn có được từ quyển sách mình không thích sẽ chỉ là cảm giác phiền phức mà thôi.
6. Làm nhiều thứ tạm bợ thay vì làm một thứ tốt
Nhiều người nghĩ cứ đa năng là tốt, vì tận dụng được thời gian. Nhưng thực tế thì bạn chỉ có thể tập trung vào một thứ một lúc và đa năng khiến bạn phải “di chuyển trọng tâm” từ việc này qua việc kia, đôi khi quay trở lại việc ban đầu và bạn quên mất mình đã làm đến đâu rồi.
Hãy tập trung làm tốt một việc, rồi lại dành tất cả công sức đó cho việc tiếp theo.
7. Cố gắng ghi nhớ mọi thứ sẽ khiến mọi thứ rối tung lên
Có ý tưởng là một điều tốt, nhưng quá nhiều ý tưởng sẽ khiến não của bạn luôn trong trạng thái muốn ghi nhớ thêm những thứ mới và tạo ra một “mớ bòng bong”. Thay vào đó, hãy giữ một cuốn sổ bên mình để nó làm việc ghi nhớ tạm thời thay bạn. Một cuốn sách hay, một người bạn cũ, một ý tưởng mới,… hãy viết ra và dành thời gian xem lại sau.
8. Quá bận tâm đến những việc chưa xảy ra
Bình thường chúng ta vẫn cố phòng trừ những điều bất ngờ. Có thể sẽ gặp tắc đường nên cần đi sớm chẳng hạn. Nhưng một số người “mắc kẹt” quá lâu trong giai đoạn lường trước những tình huống có thể xảy ra thay vì thực sự tiến gần tới đó.
Có thể dành ra chút thời gian để nghĩ về các tình huống và giải pháp, nhưng chỉ thế thôi. Hãy bắt đầu luôn vào bước tiếp theo. Bạn chỉ có thêm những hiểu biết mới và dự đoán mới về tình huống khi đang làm việc đó, chứ chỉ lo lắng mãi thì không giải quyết được gì.
Khi nào bạn cảm thấy đang thiếu thời gian, hãy quay lại danh sách này và xem mình có đang phạm phải sai lầm nào không nhé.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]