Lỗ khoan siêu sâu Kola ở Nga
Lỗ khoan siêu sâu Kola có độ sâu 12 km.
Lỗ khoan siêu sâu Kola có đường kính chỉ 23 cm nhưng độ sâu lên tới 12 km, theo Popular Mechanics. Lỗ khoan bắt đầu được các nhà khoa học Nga tạo ra từ năm 1970 trên bán đảo Kola trở thành hố sâu nhất thế giới, vượt xa nơi sâu nhất dưới đại dương, sau 20 năm đào và thử nghiệm. Tuy nhiên, nhiệt độ 180 độ C ở đáy lỗ khoan khiến các công cụ không thể tiếp tục hoạt động. Địa điểm này bị bỏ hoang từ năm 2008, và lỗ khoan được niêm phong kín để không thứ gì có thể lọt vào.
Mỏ Bingham Canyon ở bang Utah, Mỹ
Mỏ Bingham Canyon hơn 100 năm tuổi rộng 4 km.
Với hơn 100 năm tuổi, mỏ đồng lớn nhất thế giới bao gồm hố rộng 4 km ở dãy núi Oquirrh phía tây nam Salt Lake City, Utah. Được coi là khu khai quật nhân tạo lớn nhất, mỏ có độ sâu 1,2 km và bao phủ 769 hecta. Ra đời năm 1906, khu mỏ vẫn mở cửa và được xếp vào hạng mục Di tích Lịch sử Quốc gia.
Mỏ kim cương Kimberley ở châu Phi
Mỏ kim cương Kimberly ăn sâu hơn 213 m vào lòng đất.
Nằm ở châu Phi, mỏ kim cương Kimberly hay còn gọi là "Hố lớn" nằm trên một ngọn đồi. Hơn 50.000 thợ mỏ dùng rìu đào sâu vào lòng đất từ năm 1866. Mỏ Kimberly ăn sâu hơn 213 m vào lòng đất và trải rộng hơn 457 m năm 1914. Tổng cộng hơn 2,7 tấn kim cương được khai thác từ khu mỏ này.
Mỏ kim cương Diavik ở Canada
Mỏ kim cương Diavik ra đời năm 2003 và đạt độ sâu hơn 122 m ở khu vực Bắc Cực thuộc Canada. Nằm trên đảo Đông ở giữa hồ Lac de Gras phía đông bắc Yellowknife, khu mỏ chỉ có thể tiếp cận bằng máy bay nếu thời tiết tốt. Mỏ Diavik cho sản lượng 1.497 kg kim cương mỗi năm.
Hố Berkeley ở Montana, Mỹ
Hố Berkeley sâu 579 m.
Hình thành năm 1955 để mở đường dẫn tới mỏ đồng ở Butte, Montana, hố Berkeley có độ sâu 579 m trước khi đóng cửa năm 1982. Từ thời điểm đó, mực nước ngầm và nước mưa trong hố dâng cao hơn 274 m. Kết hợp với kim loại nặng và hóa chất từ thời gian mỏ còn hoạt động trước đó, nước có nồng độ axit cao và các nhà chức trách phải áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chim đậu xuống nước sau khi đàn ngỗng tuyết 392 con chết tập thể giữa miếng hố dài 1,6 km, sâu 0,8 m vào thập niên 1990.
Mỏ Mirny ở Nga
Mỏ Mirny có thể chứa cả tòa nhà chọc trời 150 tầng.
Gió thổi quanh mỏ Mirny ở Siberia, Nga được cho là có thể hút những chiếc máy bay trực thăng vô tình bay ngang qua xuống miệng hố sâu 518 m, đủ để chứa cả tòa nhà chọc trời 150 tầng. Bắt đầu hoạt động năm 1955, mỏ kim cương trải rộng 1.189 m. Dù khu mỏ lộ thiên này không còn hoạt động, Nga vẫn tiếp tục đào sâu bên dưới khu vực.
Đài quan sát hạt Neutrino IceCube ở Nam Cực'
Cáp treo khoang thu thập dữ liệu ở độ sâu hàng nghìn mét của trạm Amundsen-Scott.
Trạm Amundsen-Scott ở Nam Cực của Đại học Wisconsin có 86 sợi cáp chạy sâu bên dưới lớp băng, chống đỡ cho 60 khoang quang học kỹ thuật số thu dữ liệu từ các độ sâu khác nhau. Các khoang nằm ở độ sâu từ 1.448 m đến hơn 2.438 m. Các kỹ sư mất tới 7 năm để đào hố chôn những sợi cáp trong mùa hè ở Nam bán cầu và phải dùng ống bơm 11.340 kg nước nóng để làm tan chảy khoảng 757.000 lít băng ở mỗi hố.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]