Để có thể khiến người khác luôn yêu mến, tôn trọng là điều không hề dễ dàng, nhưng nếu học được cách rèn luyện những yếu tố cơ bản nhất, chắc chắn bạn sẽ trở thành người ai gặp cũng mến trong những mối quan hệ xã hội.
Đừng tiết kiệm nụ cười
Cách đơn giản nhất để người khác có ấn tượng và thiện cảm với bạn chính là luôn giữ cho mình nụ cười tự nhiên, chân thành nhất. Bất cứ ai cũng hy vọng được tiếp xúc, gần gũi với những người lạc quan, thú vị chứ không phải kẻ lúc nào cũng âu sầu hay cáu gắt.
Trong quan hệ xã hội, những người hay cười thường có sức mạnh “lan truyền” rất lớn, không chỉ khiến bản thân bạn luôn có phong thái tự tin, thân thiện mà còn khiến những người xung quanh cảm thấy thoải mái, vui tươi.
Vì vậy, hãy dành cho mỗi người bạn gặp gỡ những nụ cười thân tình nhất, và muốn như vậy, chí ít bạn phải học được cách duy trì tâm thái khỏe mạnh, biết kiểm soát tốt tâm trạng của mình.
Khích lệ người xung quanh nói về bản thân họ
Cách làm này có sức mạnh đem lại niềm vui cho người khác không kém gì khi họ được ăn ngon hoặc được nhận quà hay có một khoản tiền ngoài mong đợi. Đôi khi cảm giác được khẳng định và tôn trọng không nằm ở những thứ vật chất họ có được, mà nằm ở chỗ đối phương tạo cơ hội để họ nói về chính mình.
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, bất luận là trò chuyện riêng tư ngoài thực tế hay các buổi giao lưu, tranh luận cộng đồng trên mọi phương tiện thông tin, một khi được nói về bản thân sẽ kích thích cảm giác vui vẻ ở não bộ của người đó. Nhà khoa học thuộc hệ thần kinh của trường đại học Harvard – Diana Tamir cùng với đồng nghiệp là Jason Mitchell sau khi hoàn thành hạng mục thực nghiệm đã chỉ ra rằng: “Tự mình biểu lộ sẽ đem đến cảm giác thỏa mãn rất lớn cho con người”.
Vì vậy, trong bất cứ mối quan hệ xã hội nào, đừng thao thao bất tuyệt về chính mình, bạn cần tạo không gian và khích lệ đối phương nói về họ, và hãy lắng nghe một cách chân thành, thậm chí bạn có thể tương tác với những điều liên quan đến họ.
Khiêm tốn và nghiêm khắc với bản thân
Con người luôn có lòng hiếu thắng dù nhiều hay ít, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, họ tiếp nhận tri thức và quan niệm mới rất nhanh, có tinh thần sáng tạo và dám theo đuổi những mục tiêu cao xa. Tuy vậy, nếu bất kỳ người nào biến những ưu thế này thành lòng tự phụ hoặc bất chấp thủ đoạn chỉ để cầu danh lợi và được mọi người tung hô sẽ rất dễ đi vào con đường mù quáng. Một khi bạn dễ dãi với chính mình và cảm thấy mình là trung tâm sẽ thường có thái độ tự cao ngông cuồng, thích tranh giành và ghét bị thua cuộc.
Trong các mối quan hệ nào, cho dù tri thức của bạn phong phú, tài năng của bạn có thừa thì vẫn nên học cách khiêm nhường, không ngừng tự phản tỉnh để nhìn nhận cái sai của mình, cố gắng khắc phục để hoàn thiện hơn. Một người tài giỏi nhưng luôn nhã nhặn, biết nghiêm khắc với bản thân nhưng bao dung cho người khác sẽ có được rất nhiều nhân duyên tốt trong quan hệ xã hội.
Đừng bao giờ dễ dàng kết luận hay đánh giá về một ai đó
Con người ta thường có một tâm lý rất lạ, đó là ít khi nhìn lại khiếm khuyết của bản thân mà chỉ chăm chăm vào cái sai hay nhược điểm của người khác. Nếu muốn có nhân duyên tốt và bớt đi những mối hiềm khích hoặc dẫn đến bị tiểu nhân ganh ghét thì bạn nên tập thói quen thận trọng khi bình luận về bất cứ ai.
Dù bạn và họ vừa quen biết hay đã thân thiết thì tốt nhất vẫn không nên tùy tiện bình phẩm, chỉ trích, phàn nàn hay thậm chí là “định tội” người khác. Nếu phán đoán của bạn đúng thì đối phương với cái tôi của mình vẫn sẽ phản bác lại, đôi bên dễ xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, ảnh hưởng tình cảm. Nếu nhận định của bạn sai thì khỏi phải nói, mối quan hệ này rất dễ đổ vỡ, thậm chí còn gây thù hận đáng tiếc.
Học cách phán đoán ý đồ, động cơ của người khác
Một người có năng lực xã hội tốt chắc chắn sẽ là người biết phán đoán. Muốn dễ dàng xây dựng những mối quan hệ hữu hảo, trước hết bạn phải là người biết suy nghĩ hậu quả về từng lời nói, hành động của mình và phải biết phán đoán hành vi có thể xảy ra từ người đối diện.
Khả năng quan sát và giỏi ứng biết trong mọi tình huống sẽ giúp bạn làm chủ mối quan hệ xã hội, dù vấn đề phức tạp xuất hiện cũng không lúng túng và biết cách xử sự điềm tĩnh, khéo léo.
Kính trọng người khác
Cho dù bạn có tài năng và khôn khéo thế nào trong giao tiếp xã hội nhưng nếu không có thái độ tôn trọng người khác thì cũng khó duy trì mối quan hệ này. Hãy học cách làm chủ cảm xúc để không quá kích động mà có lời nói hay hành vi quá khích, gây ảnh hưởng tình cảm đôi bên.
Ngoài ra, sự kính trọng người đối diện còn thể hiện ở chỗ bạn biết tôn trọng cả ưu lẫn khuyết điểm của họ, dù có góp ý với đối phương thì cũng nên nhã nhặn và dùng lòng thành để đạt hiệu quả mong muốn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]