Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng trưởng tốt
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 năm 2014 ước đạt 13 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ, khu vực 100% vốn trong nước đạt 31,75 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Số liệu báo cáo chi tiết cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng chủ lực, trong đó, mới qua 8 tháng đã có 16 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn bao gồm: nhóm hàng linh kiện, điện thoại đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,7%, nhóm hàng dệt may đạt 13,6 tỷ USD, tăng 19,7% ...
Dầu thô cũng là mặt hàng có lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ, ước đạt 5,59 tỷ USD (tăng 11,8% về lượng và 14,3% về giá trị). Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,53 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 10,7% so với tháng 8 năm 2013. Tính chung 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm này ước đạt 70,1 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ.
Đồng thời, qua 8 tháng đã có khoảng 23 thị trường xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó cao nhất là thị trường Mỹ với 18,5 tỷ USD, Nhật Bản 9,9 tỷ USD, Trung Quốc 9,8 tỷ USD, Hàn Quốc 4,3 tỷ USD ...
Như vậy, sau 8 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu, trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 10,16 tỷ USD thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu gần 11,86 tỷ USD.
Nhập siêu vẫn cần hạn chế
Bộ Công thương cho biết, kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong tháng 8 năm 2014 ước đạt 12,9 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước đó và tăng 14,3% so với tháng 8 năm 2013. Tính chung cả 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 95,29 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu gần 53,37 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái và các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước nhập 41,92 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Ở nhóm hàng cần tăng cường nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt khoảng 11,34 tỷ USD, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 13% so với tháng 8 năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm ước đạt khoảng 84,2 tỷ USD, chiếm 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm máy tính, điện tử, linh kiện 11,2 tỷ USD (giảm 2,8%), máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 14,59 tỷ USD (tăng 24,5%), vải các loại 6,2 tỷ USD (tăng 16,1%), xăng dầu các loại 5,93 tỷ USD (tăng 26,7%), sắt thép các loại 4,8 tỷ USD (tăng 7,1%), nguyên liệu, chất dẻo 4,14 tỷ USD (tăng 13%) ...
Trong báo cáo phân tích về kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu 8 tháng vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, hiện nhóm hàng cần nhập khẩu này vẫn được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ cũng có mức tăng khá cao so với cùng kỳ.
Đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, trong tháng 8, kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 440 triệu USD, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 12% so với tháng 8 năm 2013. Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm này ước đạt khoảng 3,77 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.
Bước đi nào cho trọn vẹn từ nay đến cuối năm?
Từ những kết quả đạt được cũng như đánh giá tình hình từ nay đến cuối năm, các chuyên gia kinh tế dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục xuất siêu trong cả năm 2014. Và nếu dự báo này là đúng thì năm nay sẽ là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 749 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD, năm nay con số dự kiến sẽ cao hơn năm trước).
Trước tình hình nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động như hiện nay, việc xuất siêu hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể. Đồng thời, xuất siêu giúp tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm được an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia, góp phần ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát...
Kết quả tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua đã thể hiện nỗ lực vượt khó của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, liệu niềm vui đó đã thực sự trọn vẹn? Báo cáo phân tích của Bộ công thương cho thấy, xuất siêu không phải do hàng hóa của Việt Nam đã tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ở đây, xuất siêu chủ yếu xuất phát từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu.
Thực tế cho thấy, tuy xuất siêu nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam còn thấp, tính gia công, lắp ráp của nền kinh tế lớn, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thấp hơn tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ... Là nước nông nghiệp, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khối lượng lớn nông, lâm, thủy sản, nguyên liệu cho chế biến tiêu dùng. Chính vì thế, mặc dù xuất siêu nhưng thị trường trong nước lại ở vị thế nhập siêu của một số thị trường nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...
Bên cạnh đó, tổng cầu trong nước yếu đi cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu tăng cao. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu không kích cầu trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP 2014 cũng sẽ “dậm chân tại chỗ”.
Về giải pháp, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc tận dụng các lợi thế thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường đang là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu, các mặt hàng máy móc phụ tùng cũ, đã qua sử dụng theo chỉ thị số 11/CT-TTg.
Trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đề ra các giải pháp nhằm tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông lâm thủy sản.
Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đang xây dựng Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đầu tư, mở rộng sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc thiết bị nhằm từng bước thay thế hàng nhập khẩu, giảm nhập siêu.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]