Sự kiện mới đây của Apple đã mang đến khá nhiều bất ngờ cho người dùng và đặc biệt là những fan hâm mộ Apple. Hãng công nghệ này không có thiết bị nào mới mà hoàn toàn là các dịch vụ.
Ấn tượng nhất là thẻ tín dụng từ “hãng Apple”. Đi kèm với tấm thẻ là hoàn tiền. Người dùng luôn được hoàn tiền 3% kể cả dùng thẻ điện tử hay thẻ vật lý. Hoàn tiền thì nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã làm cho khách hàng của mình. Vậy Apple đang cố làm gì với tấm thẻ này?
Theo trang công nghệ TheVerge, có lẽ Apple đang cố gắng bán thương hiệu của mình là chính và cụ thể là nỗ lực phổ biến thương hiệu Apple Pay.
Apple Pay đã có tốc độ phát triển rất nhanh tại Mỹ nhưng nếu ở thị trường toàn cầu thì tính ra chưa được nửa số người dùng iPhone đang có Apple Pay.
Vậy nên Apple không nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn cách mọi người dùng thẻ để thanh toán, đơn giản là tận dụng việc mọi người đang yêu Apple sẵn và cho họ thêm một số ưu đãi.
Theo ông Rivka Gewirtz Little, Giám nghiên cứu toàn cầu của công ty phân tích IDC cho rằng một công ty công nghệ lớn như Apple không đi theo con đường đổi mới mà lại làm cách truyền thống là điều hơi kỳ lạ.
Từ vài năm trước khi doanh số iPhone bắt đầu tăng trưởng chậm lại, Apple đã chuyển dịch sang mô hình dịch vụ nội dung như TV, phim, thanh toán di động và cung cấp tin tức. Nhưng bán các dịch vụ này trong 5 năm qua vẫn khó hơn bán nhạc và ứng dụng trên điện thoại.
Việc bán thẻ tín dụng, bán thuê bao đọc báo trở thành nước đi táo bạo vì họ đang cố chen chân vào một ngành dịch vụ đã cũ và có quá nhiều tên tuổi. Đặc biệt là họ đang không bắt kịp các công ty nội dung khác như phim của Netflix và nhạc của Spotify.
Một đối thủ Apple là Amazon cũng đã từng thành công với chiến lược bán cho người dùng những sản phẩm mang tên mình như máy đọc sách, loa thông minh, thậm chí đồ gia dụng, pin.
Apple Pay có chức năng tương tự Samsung Pay nhưng lại không phổ biến bằng.
Với Apple, chiến lược sinh lời từ mọi người dùng iOS và hệ điều hành máy tính Mac cũng giống như Amazon đang làm với khách hàng của mình. Nhưng khác một chút là Apple có thêm chiếc thẻ thanh toán.
Tấm thẻ này của Apple tiện hơn cả thẻ tín dụng thông thường, người dùng không cần quẹt thẻ, cũng không cần chép số thẻ, nhận mã OTP. Tất cả có thể bỏ qua khi người dùng sử dụng Apple Pay.
Thẻ của Apple không thu phí thường niên, lãi suất còn thấp hơn cả thẻ của nhiều ngân hàng tại Mỹ. Thậm chí Apple còn tuyên bố không thu thập bất kỳ thông tin gì của người dùng, không bán dữ liệu khách hàng của mình và người dùng chắc chắn thích điều này.
Điều này có thể tạm kết luận, Apple đang không đặt nặng mục tiêu doanh thu từ thẻ mà mục tiêu chính là tăng số người dùng của Apple Pay. Và sau Apple Pay chính là sinh lời từ hệ sinh thái iOS.
Ví dụ người dùng mua vật phẩm trong trò chơi Fortnite qua Apple Store với thẻ tín dụng bình thường sẽ mất đúng bằng số tiền nạp vào trò chơi nhưng nếu dùng thẻ của Apple cùng với Apple Pay thì sẽ được hoàn lại 3% số tiền.
Khách hàng muốn được hoàn tiền liên tục thì sẽ phải dùng Apple Pay nhiều hơn. Song song với việc này Apple cũng sẽ gắng làm việc với nhiều đối tác cung cấp dịch vụ, sản phẩm hơn để có chương trình ưu đãi lớn hơn cho khách hàng.
Không thể phủ nhận, thẻ của Apple được thiết kế đẹp, chứng minh được đẳng cấp của người dùng, điều này có ích trong việc thu hút khách hàng trẻ. Điều này là việc có ích tại Mỹ khi thẻ tín dụng được các ngân hàng phát hành quyết định hạn mức thông qua điểm uy tín tín dụng của người dùng và số năm tích luỹ điểm tín dụng này. Đây đều là những thông số mà người dùng trẻ khó có thể đáp ứng đủ.
Apple cũng không gặp nhiều rủi ro khi cấp tín dụng cho nhóm khách hàng này vì đi cùng họ là ngân hàng Goldman Sachs và Mastercard.
Dù gì chiến lược cho mọi dịch vụ của Apple vẫn sẽ giống như chiến lược mà Tim Cook áp dụng cho phần cứng. Đó là không cần là hãng cung cấp đầu tiên nhưng sẽ là hãng đủ tốt để người dùng bị cuốn hút và không thể rời bỏ.