Sau nhiều đồn đoán và nhiều thông tin trái chiều, Apple dường như đã chính thức xác nhận việc hãng này sẽ đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Giám đốc Điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook, bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019), tại Davos, Thuỵ Sĩ, chiều 23/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng tập đoàn Apple về những thành công trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua; bày tỏ ủng hộ kế hoạch đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu của Apple tại Việt Nam.
Cách đây 3 năm, truyền thông trong nước và quốc tế đã xôn xao kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD của Apple vào một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Và hai địa điểm trong danh sách lựa chọn của Apple là Hà Nội và Đà Nẵng.
Việc thành lập trung tâm dữ liệu của riêng mình là một phần trong chiến lược Apple nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đối tác dữ liệu của bên thứ ba như Amazon và Microsoft.
Đây có thể sẽ là dự án đầu tư thứ hai của Apple vào thị trường Việt Nam. Tháng 10/2015, Reuters đưa tin Apple đã đầu tư 15 tỷ đồng (673.000 USD) để thành lập công ty con có tên gọi Công ty trách nhiệm hữu hạn Apple Việt Nam (Apple Vietnam LLC) tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó mở đường cho nhà sản xuất iPhone trực tiếp thực hiện việc bán hàng ở thị trường Việt Nam, đồng thời sẽ cung cấp công nghệ thông tin, bảo hành cũng như các dịch vụ tư vấn.
Việc Apple đầu tư trực tiếp vào thị trường Việt Nam được cho là khá chậm chân so với nhiều đối thủ trong lĩnh vực thiết bị công nghệ, như Samsung và LG (Hàn Quốc), và Microsoft (Mỹ).
Đầu tư của Samsung vào Việt Nam hơn 11,2 tỷ USD với hai tổ hợp sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện điện tử trị giá hàng tỷ USD ở Thái Nguyên và Bắc Ninh.
Hãng điện tử Hàn Quốc cũng điều hành một trung tâm nghiên cứu-phát triển công nghệ (R&D) tại Hà Nội, với khoảng hơn 1.450 kỹ sư Việt Nam để hỗ trợ, phát triển ứng dụng và phần mềm cho thiết bị di động Samsung.
Trong khi đó, LG Electronics cũng đầu tư tổ hợp sản xuất trị giá 1,5 tỷ USD tại Hải Phòng, trong khi Microsoft đã chuyển mảng sản xuất điện thoại di động tại các nhà máy ở Trung Quốc, Hungary và Mexico tới Bắc Ninh từ năm 2014.
Việt Nam hiện đang nổi lên như một thị trường trọng điểm của Apple trong bối cảnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đang có dấu hiệu bão hòa, sức mua iPhone kém. Mặc dù giá bán iPhone ở Việt Nam cao hơn nhiều so với mức thu nhập và ngân sách chi tiêu của đại bộ phận người tiêu dùng, song các mẫu điện thoại của dòng điện thoại này vẫn ghi nhận các con số bán hàng ấn tượng. Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, giai đoạn từ quý quý 2/2017-quý 2/2018, Apple luôn duy trì mức thị phần 5% trên thị trường điện thoại thông minh Việt Nam.
Đầu tháng này, trong bản ghi nhớ gửi nhân viên, giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã dự báo hãng này sẽ đạt doanh thu kỷ lục ở Việt Nam. "Chúng tôi dự kiến sẽ lập kỷ lục doanh thu mọi thời đại tại các thị trường trọng điểm bao gồm Mỹ, Canada và Mexico, các nước Tây Âu bao gồm Đức và Italy và các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hàn Quốc và Việt Nam," ông Cook nói.